Không phải cứ đóng phí mới là yêu nước

Thứ sáu, ngày 06/04/2012 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cùng những phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng về các loại phí này đang khiến nhiều người băn khoăn.
Bình luận 0

NTNN trích đăng ý kiến của một số bạn đọc.

Sao nhiều phí giao thông thế?

Bộ trưởng Đinh La thăng cho rằng thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) và phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (HCPT) là cần thiết, đúng đắn, nhưng tôi thấy cần xem xét thật kỹ về việc có nên thu và mức thu bao nhiêu thì hợp lý?

img
Đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ GTVT không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân.

Gia đình tôi mới mua một chiếc xe ôtô có dung tích máy 2.500cm3, là xe cũ (đã sử dụng hơn chục năm), trị giá 120 triệu đồng. Nếu nhà tôi phải đóng phí HCPT 20 triệu đồng/năm thì càng sử dụng lâu càng... chết.

Mặt khác, khi mua xe, người dân chúng tôi đã chịu quá nhiều thứ thuế, phí và lệ phí. Lúc lưu hành, chúng tôi đã đóng phí đường (thu qua xăng dầu). Nay Bộ trưởng Thăng vì chống ùn tắc cho mấy thành phố lớn mà lại “đẻ” thêm khoản phí này nữa thì thực sự là gánh nặng cho nhiều gia đình.

Mức phí tối đa chỉ nên 10 triệu đồng/xe/năm

Nói thẳng rằng tôi là người yêu nước, từ đáy lòng tôi có tình cảm ấy, chứ không phải vì tôi có ôtô và tôi chấp nhận đóng phí thì tôi mới là người yêu nước như anh Thăng nói. Tôi vẫn cho rằng Bộ trưởng Thăng và Bộ GTVT đã đề xuất mức phí quá cao so với đời sống chung của người VN hiện nay.

Trong khả năng thu nhập của mình - một hiệu trưởng trường đại học, tôi nghĩ mức phí tối đa chỉ nên 10 triệu đồng/xe/năm. Người có thu nhập cao, có khả năng sở hữu xe hơi đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước theo kiểu luỹ tiến, thu nhập càng cao đóng thuế càng nhiều. Suy cho cùng, ôtô cũng chỉ là phương tiện mọi người sử dụng để kiếm sống, nên cần tính toán mức thu phí hợp lý, đừng để cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn.

Tôi sẽ bán xe

Tôi thấy thật hài hước khi Bộ trưởng GTVT nói rằng những người đi ôtô nên tự hào về chuyện đóng phí. Tôi không thấy tự hào tí nào cả. Gia đình tôi phải tiết kiệm hàng chục năm trời, vay mượn thêm người thân mới mua được chiếc xe tàng tàng để mỗi dịp về quê thuận tiện hơn, tránh bị xe khách nhồi nhét.

Thu nhập của vợ chồng tôi (gần 20 triệu đồng/tháng), trong bối cảnh giá cả cao như hiện nay mà mỗi năm phải đóng hơn 2 triệu phí BTĐB, rồi cõng thêm 20 triệu đồng phí HCPT nữa thì chắc chắn tôi phải tính tới giải pháp... bán xe.

Đời sống người lao động sẽ bị ảnh hưởng

Với tổng đầu xe 500 chiếc (loại dưới 2.000cm3), theo tính toán mỗi năm công ty chúng tôi phải đóng xấp xỉ 1 tỷ tiền phí HCPT. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và đời sống của cán bộ, nhân viên đơn vị. Thu phí để cải tạo chất lượng đường sá, hạn chế tình trạng ùn tắc thì nói về mặt chủ trương, chúng tôi ủng hộ tuyệt đối. Tuy nhiên, Chính phủ, Quốc hội nên cân nhắc mức thu, thời điểm thu cho hợp lý với tình hình kinh tế đất nước nói chung và của doanh nghiệp, người dân hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem