Không phải là vợ chồng, quyền nuôi con được giải quyết thế nào?

Lê Chiên (ghi) Thứ hai, ngày 04/04/2016 14:17 PM (GMT+7)
Năm 2009, tôi và anh H chung sống với nhau, có tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Một năm sau, chúng tôi có con. Sau đó anh H bị đi tù, đến nay vẫn đang trong trại cải tạo. Năm 2014, tôi kết hôn với một người nước ngoài và theo chồng sang đó sinh sống. Trước khi đi tôi nhờ ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng con và chuyển hộ khẩu của cháu về địa chỉ của ông bà nội. Vừa qua ông bà nội đưa cháu về nhà mình, nhưng điều kiện khó khăn nên lại gửi cháu cho người họ hàng nuôi dưỡng. Thương con nên tôi muốn ủy quyền cho ông bà ngoại nuôi cháu. Ông bà nội không đồng ý thì phải làm thế nào? (Bạn đọc L.T.T, Hàn Quốc)
Bình luận 0

Bạn L.T.T thân mến!

Vấn đề bạn hỏi, luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp Danh Thái Bình Dương) giải đáp như sau:

Mặc dù anh, chị có tổ chức đám cưới, nhưng hai người không đăng ký kết hôn nên theo quy định của pháp luật, anh chị không được công nhận là quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, nếu có tranh chấp về con cái và tài sản thì tòa án vẫn giải quyết như giải quyết  tranh chấp về con cái và tài sản khi ly hôn. Do đó khi có tranh chấp về quyền nuôi con, nếu 2 bên không thỏa thuận được thì chị có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết.

img

Luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp Danh Thái Bình Dương) 

Về nguyên tắc, bố hoặc mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng con. Trường hợp của chị đang ở nước ngoài và chỉ có 1 Quốc tịch Việt Nam nên chị không có đủ điều kiện để nuôi con, vì vậy về nguyên tắc, con sẽ được giao cho anh H trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, anh H lại đang thi hành án trong trại cải tạo, nên không thể trực tiếp nuôi con được (hay nói cách khác, không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con). Khi đó, tòa án sẽ cử người giám hộ cho cháu theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Dân sự (2005):

“Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.”

Như vậy, chị có thể làm đơn yêu cầu tòa án nơi cháu có hộ khẩu thường trú cử người giám hộ cho cháu. Trong đơn, chị cần nêu rõ lý do phải cử người giám hộ và yêu cầu tòa cử ai làm người giám hộ cho cháu. Cụ thể, nếu chị có yêu cầu Tòa án cử ông bà ngoại là người giám hộ cho cháu và chứng minh được ông bà nội không đủ điều kiện chăm sóc cháu thì tòa án sẽ cử ông bà ngoại là người giám hộ cháu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem