Không sử dụng đá tự nhiên, xuất hiện vỉa hè ở Hà Nội được lát bằng gạch bát giác truyền thống
Không sử dụng đá tự nhiên, xuất hiện vỉa hè ở Hà Nội được lát bằng gạch bát giác truyền thống
Ngọc Huyền
Thứ năm, ngày 13/06/2024 06:30 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều tuyến vỉa hè ở Hà Nội được đầu tư lát đá tự nhiên, gạch giả đá với số vốn đầu tư cả trăm tỷ đồng thì tại phố Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), vỉa hè lại được cải tạo, sửa chữa, lát gạch bát giác tự chèn.
Từ năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Đến nay, các công trình thay thế, cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên vẫn đang được tiến hành trên nhiều tuyến phố nội thành.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, vỉa hè phố Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ xuất hiện các khối gạch bát giác được xếp chồng trên vỉa hè chờ thay thế.
Theo ghi nhận, các công nhân thực hiện cải tạo vỉa hè phố Trường Chinh sử dụng loại gạch bát giác tự chèn cũ. Được biết, đây là loại gạch mà một số tuyến phố đang phá bỏ để thay mới bằng đá tự nhiên.
Chị Nguyễn Thu Thủy (31 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Cách đây vài tuần, tôi bắt đầu thấy các khối gạch được vận chuyển đến và đặt trên vỉa hè. Vì vậy tôi đoán họ chuẩn bị thay đá vỉa hè như trên báo đài đã nói. Nhưng đến khi công nhân bắt đầu cải tạo tôi mới nhận ra loại gạch họ dùng chính là loại cũ".
Theo ghi nhận, toàn bộ vỉa hè phố Trường Chinh (trải dài từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng) đều được lát loại gạch bát giác tự chèn. Gạch bát giác lát vỉa hè là loại gạch không nung có hình bát giác. Cứ một viên hình bát giác sẽ kết hợp với một viên hình vuông. Hai viên này thường có màu sắc khác nhau để tạo cho vỉa hè đa màu sắc, đẹp mắt.
Để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, công nhân thực hiện cải tạo vỉa hè phần lớn thực hiện công trình vào buổi tối. Thay vì phải dùng nhiều công đoạn, việc lát vỉa hè bằng gạch bát giác giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Công nhân chỉ cần cán một lớp cát đen dày, đặt gạch lên trên sao cho xít nhau, lấy búa gõ cho gạch lún xuống và rải lớp cát mỏng trên bề mặt gạch vừa đầm là hoàn thành.
Các khối gạch được sử dụng để lát vỉa hè đường Trường Chinh đều là gạch bát giác mới, màu sắc còn đậm và sáng. Sau khi lát sau, vỉa hè bằng phẳng, cải thiện thấy rõ. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng loại gạch này dễ bị bung nền, xô lệch. Chỉ sau một thời gian ngắn, phần vỉa hè sẽ lại xuống cấp.
Anh Trần Văn Tùng (45 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi thấy gạch này chỉ đẹp khi mới làm thôi. Nó khít vào nhau và không cần thêm xi măng cố định. Nhưng chủ trương của thành phố đang là thay thế gạch lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, mà ở đây lại sử dụng gạch bát giác, không biết sau khi cải tạo xong họ có xới lên thay bằng gạch mới không".
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dân sinh sống trên tuyến phố này đồng tình với phương án thi công cải tạo vỉa hè bằng gạch bát giác tự chèn.
Bà Nguyễn Thị Hoa (74 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc tái sử dụng gạch bát giác giúp thành phố tiết kiệm ngân sách, lại có thể thẩm thấu nước mưa nhanh, chống trơn trượt tốt hơn đá tự nhiên.
"Họ cải tạo vỉa hè chắc cũng đã có tính toán rồi. Mình là người dân chỉ mong vỉa hè sạch đẹp, gọn gàng, không xuống cấp là được. Tôi thấy gạch này cũng đẹp và bắt mắt", bà Hoa nói thêm.
Hiện tại, bên cạnh việc cải tạo vỉa hè, đường Trường Chinh cũng thay mới bó vỉa hè bằng vật liệu bê tông. Công trình thi công trên vẫn đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ người dân sinh sống trong khu vực.
Cùng với đó, tại phố Trường Chinh, còn một số đoạn vỉa hè được lát bằng loại gạch bát giác đang gặp tình trạng xuống cấp, cần được cải tạo sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.