Chiều qua, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, theo đó, các mặt hàng xăng dầu được giảm giá từ 700 tới hơn 1.000 đồng/lít hoặc kg.
Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 22.082 đồng/lít (giảm 835 đồng/lít), xăng RON95-III không cao hơn 22.801 đồng/lít (giảm 1.101 đồng/lít), dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.334 đồng/lít (giảm 1.048 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), dầu hỏa không cao hơn 16.322 đồng/lít (giảm 875 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.745 đồng/kg (giảm 732 đồng/kg).
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại của năm 2021, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 8.195 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 8.099 đồng/lít. Kỳ điều chỉnh hôm qua cũng đánh dấu mức giảm mạnh nhất của giá xăng kể từ ngày 29/3/2020.
Việt Nam chỉ có nguồn dự trữ xăng dầu 20 ngày
Nhận định về thị trường xăng dầu cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, hiện giá dầu thế giới chịu tác động, ảnh hưởng từ việc Mỹ "xả" kho, biến thể Omicron,…
Ông Phú dự báo, trong thời gian cuối năm, nếu biến chủng này không có diễn biến phức tạp, giá dầu thế giới có thể tăng lên mức trên dưới 100 USD/thùng. Ở chiều ngược lại, nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng, giá dầu có thể giữ nguyên hoặc giảm.
"Nga và OPEC chiếm một nửa nguồn cung dầu của thế giới. Trước sức ép của Mỹ và một số nước, giá dầu thế giới thời gian qua chưa ghi nhận mức tăng vọt quá lớn. Theo tôi, từ nay đến hết năm, khả năng giá dầu lên mức 100 USD/thùng rất khó, nếu tăng chỉ ở mức vài %. Nếu biến chủng Omicron được kiểm soát và Mỹ cũng như các nước thực hiện đúng cam kết xả nguồn dầu", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Ngoài ra, cũng theo nhận định từ phía vị chuyên gia này, để có thể bình ổn được giá xăng, yếu tố tiên quyết là sự chủ động và đa dạng hóa nguồn cung.
"Theo đánh giá của tôi, việc này mang nhiều yếu tố không ổn định, phụ thuộc. Không thể thấy giá xăng giảm được hơn 1.000 đồng/lít mà vội mừng. Cần phải nhìn vào tổng thể cách điều tiết giá xăng là nguồn đầu vào của xã hội. Nếu cứ phụ thuộc vào thị trường thế giới, nền kinh tế của chúng ta luôn ẩn chứa yếu tố bất ổn.
Trong khi các nước luôn dự trữ trong nhiều tháng, Việt Nam chỉ có nguồn dự trữ xăng dầu khoảng 20 ngày. Ngoài ra, hiện tại, chúng ta có 2 nhà máy lọc dầu vẫn chưa tận dụng hết, đây là nguồn cung rất lớn nếu điều hành tốt sẽ không bị phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu", Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng dự báo giá dầu thế giới sẽ khó vượt quá 100 USD/thùng thời gian tới.
Nguyên nhân giá dầu thế giới tiếp đà leo thang là do OPEC và OPEC+ vẫn đang tiến hành khai thác "nhỏ giọt". Mặc dù, vừa qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đánh tiếng sẽ "trả đũa" nếu OPEC không gia tăng sản lượng.
"OPEC đã tính toán, kinh tế thế giới sẽ không tăng trưởng nhanh như dự báo do làn sóng Covid-19 quay trở lại tại nhiều nước trên thế giới khiến nhu cầu sử dụng năng lượng không tăng đột biến nên không nhất thiết phải tăng sản lượng như mong muốn của cường quốc kinh tế", ông Long nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.