Không thể vô cảm với người yếu thế!

Thứ tư, ngày 02/01/2013 08:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại các kỳ họp Quốc hội (QH) gần đây xuất hiện rất nhiều đại biểu QH đưa tiếng nói của nông dân lên nghị trường, với những phân tích, chất vấn rất tâm huyết, trách nhiệm.
Bình luận 0

ĐBQH Lê Đình Khanh - Phó đoàn ĐBQH, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương là một người như thế. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện cởi mở với ông Lê Đình Khanh.

Nghịch lý ở nông thôn

Thưa ông, ở nghị trường QH, nhiều chất vấn của ông rất được cử tri hoan nghênh, như phê phán mạnh mẽ việc thu hồi đất của nông dân làm công nghiệp rồi bỏ hoang; giá đền bù đất nông nghiệp thu hồi rẻ bèo… Những chất vấn này, có phải xuất phát từ việc ông là người bám cơ sở, thấu hiểu nỗi lòng của nông dân?

img

- Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, 30 năm công tác gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên tôi thấu hiểu những nghịch lý ở nông thôn, hiểu nỗi vất vả của người nông dân "hai sương, một nắng". Nông dân tin Đảng, theo Đảng nên khi Đảng tuyên truyền vận động, Nhà nước có quyết định thu hồi đất để làm công nghiệp, mở mang đô thị, họ sẵn sàng giao lại đất để nhận một khoản tiền nhỏ nhoi. Vậy mà những người được giao lại đất ấy sử dụng không hiệu quả, bỏ hoang hóa hoặc lợi dụng giá đất rẻ lập dự án cốt "chiếm" được đất, rào khoanh để đấy chờ giá lên sang tên kiếm lời thì họ chấp nhận sao được!

Thu hồi đất để mở mang đô thị và phát triển công nghiệp là hết sức cần thiết. Song thực tế trong những năm qua, việc phát triển nóng các khu đô thị, các khu công nghiệp và cho phép các doanh nghiệp thuê đất ở cả ngoài khu công nghiệp lấy đi nhiều diện tích "bờ xôi ruộng mật" mà cha ông ta đã khai phá, bồi đắp từ ngàn năm với giá rẻ rồi bỏ hoang hóa là điều không thể chấp nhận. Chẳng riêng gì tôi có ý kiến, trên diễn đàn QH nhiều kỳ, nhiều đại biểu đã có ý kiến về vấn đề này.

“Tôi luôn nhắc nhở anh em cấp dưới phải thường xuyên quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân, nếu khó khăn gì thì phản ánh ngay với cấp trên để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chúng ta không thể vô cảm trước những người yếu thế hơn mình”.

ĐBQH Lê Đình Khanh

Là ông nghị từng gọi điện cho báo chí, rồi gõ cửa nhiều ngành chức năng yêu cầu giúp đỡ nông dân trong nhiều vụ việc liên quan đến khiếu kiện đất đai, nạn phân bón giả, giống giả ảnh hưởng tới sản xuất… Nếu không phải là một ĐBQH, liệu ông có xắn tay giúp nông dân?

- Không hẳn cứ phải là ĐBQH thì tôi mới lên tiếng bảo vệ người dân. Tôi luôn tâm niệm rằng, mình xuất thân từ nông thôn nên phải thường xuyên quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân. Quan điểm này, tôi cũng quán triệt rõ với anh em cấp dưới. Chúng ta không thể vô cảm trước những người yếu thế hơn mình.

Hiện nay ông là Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhưng trước đó đã là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương. Thưa ông, kinh nghiệm làm Chủ tịch Hội Nông dân đã giúp ông đưa tiếng nói của cử tri nông dân lên nghị trường như thế nào?

img
Đưa đầy đủ tiếng nói của nông dân lên diễn đàn QH là yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

- Đúng là 9 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động của một đại biểu QH. ĐBQH muốn có nhiều thông tin để phản ánh thì đại biểu đó phải sát cơ sở, gần dân, am hiểu đời sống người dân và bằng hành động, lời nói làm cho dân tin tưởng vào mình, dân mới nói thật, nói hết cho nghe. Rồi tuỳ cụ thể từng việc để có thể tìm hướng xử lý. Có những việc yêu cầu làm ngay, có những việc cũng phải biết chờ đợi.

Ví dụ, việc thanh toán tiền đền bù thu hồi đất của dân quá hạn chưa trả thì phải xem mắc ở đâu để đôn đốc giải quyết sớm; việc cung ứng giống cây trồng kém chất lượng gây tổn hại cho dân... thì phải yêu cầu đơn vị cung ứng giống và cơ quan chức năng về ngay kiểm tra, bồi thường cho dân. Nhưng việc kiến nghị miễn thuỷ lợi phí cho nông dân, hỗ trợ kinh phí cho các chi hội và phụ cấp cho cán bộ chi hội thì phải lên tiếng nhiều lần và chờ đợi mới giải quyết được...

"Máu nông dân chảy trong huyết quản"

Nhiều cử tri có kể chuyện về ông rằng, ngoài việc thực hiện tốt vai trò của một ĐBQH, một Chủ tịch Hội ND, ông còn là một người chồng, người cha rất mẫu mực. Để giúp gia đình, ông từng đứng trông xe cho học trò của vợ để vợ mình dạy học. Rồi nấu ăn, giặt giũ, ông làm tất… Ông có thể tóm tắt vài dòng về chân dung của ĐBQH Lê Đình Khanh ở đời thường không?

- Đánh giá về vai trò một người chồng, một người cha thì nhà báo phải tìm hiểu qua vợ con chứ tôi nói không khách quan. Nhưng gánh vác việc gia đình là trách nhiệm chung của mọi thành viên, mình xác định như vậy nên mọi người trong nhà đều làm việc nhà một cách tự giác.

Còn xốc vác các việc trong nhà thì đúng là lúc kinh tế còn khó khăn, dù là Phó Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy nhưng hàng sáng tôi vẫn dậy sớm cùng vợ làm giá đỗ giao cho các nhà hàng hoặc tối tối trông xe cho vợ dạy kèm các cháu học thêm. Bây giờ thì không phải làm thế nữa. Nhưng tôi vẫn có thể nấu ăn, giặt giũ, làm các việc vặt khác nếu vợ bận mà mình rảnh rỗi...

Nhiều người nói, quan chức thì ai cũng có nhà lầu, xe hơi, con cái du học nước ngoài… Ông cũng là người như thế. Vậy sự thành đạt này chính nhờ bổng lộc của ông, hay từ điều gì khác?

-Tôi không đồng ý với quan điểm "tuyệt đối hóa" các vấn đề, hiện chỉ một số ít quan chức được như vậy thôi. Tôi chưa có xe hơi, nhà cũng chỉ là nhà tầng trên mảnh đất chia lô bình thường thôi. Còn việc con đi du học nước ngoài là do việc cố gắng học hành của các cháu. Tôi có 2 con trai, đều học phổ thông chuyên toán, đều thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội và cháu bé năm ấy còn thi đỗ đầu vào lớp kỹ sư tài năng của trường, rồi 2 cháu sau năm thứ nhất ĐH đều được nhà trường xét cho đi du học

Cháu lớn đi bằng học bổng theo Đề án 322 của Chính phủ, cháu bé thi lấy học bổng của Nhật Bản. Vì vậy, từ khi các cháu học đại học rồi học lên thạc sĩ, tôi không phải tốn kém gì. Mấy chục năm công tác, tôi đều làm ở ban Đảng và đoàn thể; còn vợ dạy văn, do ở tỉnh lẻ, chi tiêu tiết kiệm và các cháu đều ngoan, không đua đòi nên cũng thấy hài lòng với cuộc sống.

Thời ông làm Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, sau đó là Chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương, ông từng ăn, ngủ với người nông dân; chia sẻ những khó khăn với họ. Đây là do yêu cầu công việc hay do tính cách của ông như vậy?

- Tôi nói rồi, tôi ở nông thôn, bố mẹ cũng xuất thân ở nông thôn nên cái máu nông dân luôn chảy trong huyết quản của mình. Khi còn công tác ở Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy Hải Hưng, tôi thường có thói quen đạp xe đi cơ sở cách cơ quan 40-50km. Những lần như thế tôi thường cùng ngủ chiếu cói với dân, ăn với dân...

Từ việc sát dân, gần dân nên tôi hiểu rõ nỗi vất vả của nông dân và luôn chia sẻ khó khăn với họ. Vì thế, khi phát biểu trên nghị trường, tôi luôn cố gắng đưa tiếng nói của người dân là mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mở mang phát triển ngành nghề để lao động lớn tuổi ở nông thôn có việc làm trong lúc nông nhàn...

Không ngại nói thẳng

Trở lại nghị trường QH, tại kỳ họp thứ 4 mới đây, ông có nêu vấn đề tái cấu trúc bộ máy nhà nước, trong đó cần tinh giản bộ máy tại các bộ, ngành, tổng cục, bởi hiện nhiều bộ có đến 9- 10 thứ trưởng. Thưa ông, đòi hỏi này thực chất không mới vì nhiều ý kiến trước đó cũng đã đề nghị nhưng Chính phủ chưa thực hiện. Làm sao để chất vấn của ĐBQH không rơi vào im lặng?

- Đây là vấn đề tế nhị và nói thì dễ nhưng làm cũng không đơn giản. Điều mà mọi người chúng ta đều mong muốn là bộ máy quản lý ở mọi lĩnh vực phải gọn nhẹ, năng động, hiệu lực, hiệu quả. Đã có nhiều nghị quyết của Đảng rồi nhưng trong thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy thì có lúc chúng ta còn lúng túng, nóng vội nên kết quả chưa như mong đợi. Đương nhiên trong quá trình phát triển đi lên, cái gì phù hợp sẽ tồn tại, cái gì cản trở, lạc hậu, không phù hợp sẽ bị loại bỏ, thay thế.

Tôi được biết cả Đảng và Chính phủ đều đang nghiên cứu để hoàn thiện bộ máy và cũng không thể nóng vội. Những kỳ họp QH gần đây, sau chất vấn và trả lời chất vấn QH đều có nghị quyết riêng, vì vậy sẽ không có chuyện rơi vào im lặng, cả QH và mỗi đại biểu QH sẽ căn cứ vào nghị quyết để giám sát việc thực hiện của Chính phủ và các bộ, ngành đối với vấn đề chất vấn đã được đưa vào nghị quyết của QH.

Thưa ông, so với nhiều nhiệm kỳ trước, tiếng nói của các ĐBQH, trong đó có ông đã mạnh mẽ hơn, thẳng thắn hơn. Điều này lý giải thực tế là bản lĩnh của các ĐBQH ngày càng được khẳng định?

- Tôi cho rằng nếu thực tế mọi người đánh giá như vậy thì công đầu phải thuộc về Đảng, bởi đại đa số đại biểu QH là đảng viên Đảng Cộng sản VN. Từ Đại hội VI, Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới và kêu gọi đảng viên đổi mới tư duy, mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội và QH các khóa trước cũng đã có nhiều đổi mới, khóa này tiếp tục có nghị quyết về đổi mới hoạt động của QH.

Đây chính là sự đảm bảo cho đại biểu QH thể hiện đầy đủ ý chí nguyện vọng của cử tri, không ngại nói thẳng, nói thật, kể cả vấn về mà nhà báo gọi là "gai góc" cũng được đưa lên nghị trường. Còn với tôi, nếu những vấn đề phát biểu trên nghị trường mang tính khách quan, xây dựng với cái tâm trong sáng thì chẳng có gì phải ngại...

Đưa tiếng nói của người nông dân, những người thấp cổ bé họng lên nghị trường so với trước là có nhiều chuyển biến. Là ĐBQH từng làm công tác nông dân, ông sẽ làm gì để gia tăng tiếng nói của nông dân trên nghị trường?

- Nông dân hiện vẫn là lực lượng đông đảo, chiếm tỷ lệ cao nhưng tiếng nói của họ trên nghị trường còn khiêm tốn. Ngay từ đầu khóa XIII, tôi đã băn khoăn về số đại biểu QH đại diện trực tiếp cho nông dân ở QH kỳ này ít hơn các khóa trước và sau hơn 1 năm chỉ còn lại 4 người (do một số người chuyển sang công tác khác).

Dù vẫn biết rằng đại đa số đại biểu QH của ta xuất thân từ nông dân, nhiều người đã và đang hoạt động ở những lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng để thực sự hiểu sâu, theo sát với hơi thở của người dân thì vẫn có phần hạn chế, chính vì vậy chúng tôi thấy mình đã nhiều năm công tác ở Hội Nông dân càng có trách nhiệm hơn với bà con nông dân.

Riêng đối với mấy vụ việc nổi cộm ở nông thôn gần đây mà nhà báo nêu thì cũng đã được một số đại biểu QH đề cập tại nghị trường, tôi cho rằng như vậy cũng là đủ, bởi lẽ những vụ đó đã được các cơ quan T.Ư và cả Thủ tướng quan tâm chỉ đạo. Tôi cũng thấy T.Ư Hội và Báo NTNN vào cuộc sớm, nay chỉ chờ các cơ quan chức năng giải quyết và chắc chắn các đại biểu QH cũng đang theo dõi sát quá trình giải quyết các vụ việc đó. Đặc biệt, từ năm 2013, QH sẽ tạo điều kiện để đại biểu ở tỉnh này có thể giám sát, tiếp xúc cử tri ở tỉnh khác, nên sẽ giúp cho việc đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường nhanh hơn, khách quan hơn và vì vậy sẽ có chuyển biến tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem