Không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng 5/9: Thầy giáo miền núi trăn trở học sinh "quên" kiến thức
Không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng 5/9: Thầy giáo miền núi trăn trở học sinh "quên" kiến thức
Hà My
Thứ năm, ngày 02/07/2020 11:15 AM (GMT+7)
Từ năm học 2020-2021, Bộ GDĐT cho biết tình trạng đi học trước ngày khai giảng sẽ chấm dứt. Quyết định này liệu có ảnh hưởng tới các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn?
Mới đây, đại diện Bộ GDĐT cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, thời gian dự kiến học sinh tập trung đến trường có thể sớm nhất vào ngày 1/9. Nhưng đặc biệt, trước ngày khai giảng năm học, các trường không tổ chức dạy học mà chỉ tập trung học sinh để chuẩn bị các điều kiện, ổn định nề nếp.
Trước thông tin này, dư luận xã hội tại các tỉnh đồng bằng, thành phố lớn đa phần ủng hộ quyết định kéo dài kỳ nghỉ hè, giảm tải việc học tập tại trường học cho học sinh các cấp. Tuy nhiên, việc sát ngày khai giảng mới tổ chức tựu trường lại là một "gánh lo" đối với các thầy cô giáo đang đem con chữ tới với các học sinh vùng sâu, vùng xa.
Năm học 2019-2020, học sinh trên toàn tỉnh Lai Châu tựu trường vào ngày 12/8, trước ngày khai giảng gần một tháng để chuẩn bị, củng cố kiến thức cho năm học mới. Năm nay, nghe thông tin về ngày tựu trường gần sát ngày khai giảng, thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu lại thấp thỏm nỗi lo học sinh gặp khó khi tới trường. Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, thầy Chuyền cho hay, học sinh miền núi có nhiều điều kiện đặc thù khó khăn hơn so với học sinh ở dưới xuôi.
"Năm học 2019-2020 trong ngày khai giảng chỉ có khoảng 70% học sinh tham dự. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà các em ở xa, do điều kiện mưa lũ, các em phải có phụ huynh đi kèm, nếu phụ huynh bận việc thì học sinh phải bỏ lễ khai giảng" - thầy Chuyền chia sẻ.
Để có được số lượng học sinh tới trường đầy đủ là cả một sự nỗ lực lớn của các thầy, cô tại trường. Trước mỗi năm học mới, thầy cô phải tới tận nhà từng em để vận động, phổ biến rất mất thời gian và công sức.
"Quãng thời gian 2 tới 3 tuần trước ngày khai giảng là thời gian vô cùng quý báu đối với thầy cô giáo và học sinh miền núi. Do đặc thù địa bàn, thời gian hè các em phải phụ giúp gia đình công việc chứ không có nhiều thời gian ôn bài. Chính vì thế khi quay trở lại trường, các thầy cô phải rà lại một lần kiến thức vì học sinh đã mai một nhiều. Đặc biệt là đối với các học sinh lớp 1, 2. Việc này không phải một sớm một chiều là có thể hoàn thành được ngay trước năm học mới" - thầy Chuyền tâm sự.
Ở vùng sâu, vùng xa, theo chia sẻ của các thầy cô, nếu như đúng ngày khai trường hoặc cách đó ít ngày muốn học sinh tới trường đầy đủ là điều rất khó khăn. Giáo viên tại trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà phải tổ chức vận động, thông báo tới phụ huynh, có khi trước cả vài tuần để phụ huynh nắm bắt được. Nhưng trường vẫn cần phải có thời gian trước khi khai giảng để ổn định về mặt sĩ số. Được biết, mùa khai giảng nào cũng có phụ huynh xin phép nhà trường cho con vắng mặt vì lũ suối lớn hoặc bận công việc không đưa con đi được.
Về dự thảo quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-202, ông Vũ Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT chia sẻ: “Việc xây dựng và ban hành quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học không chỉ áp dụng cho năm học này mà cho cả từ năm học 2020 - 2021 về sau. Theo đó, khai giảng sẽ là ngày 5/9 và các trường không được dạy học trước ngày khai giảng, như vậy sẽ không còn tựu trường rồi mới khai giảng”.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT cần phải tính toán tới điều kiện đặc thù không chỉ ở trường công lập và tư thục mà còn ở các vùng miền, địa bàn khác nhau để xác định khung thời gian năm học một cách phù hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.