Không trả lời báo chí sẽ bị xử lý

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 08:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Việc ban hành quy chế phát ngôn 2013 đã giúp báo chí có nguồn thông tin chính thống và buộc các cơ quan hành chính phải có trách nhiệm trả lời báo chí, để báo chí định hướng dư luận” .
Bình luận 0
img
 Ông Hoàng Hữu Lượng

Đó là khẳng định của ông Hoàng Hữu Lượng  – Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TTTT) xung quanh Quyết định 25/2013 của Thủ tướng về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vừa ban hành.

Ông Hoàng Hữu Lượng cho biết: Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũ được thực hiện suốt 5 năm qua (ban hành năm 2007). Có thể nhận thấy rằng cái được lớn nhất của việc ban hành quy chế người phát ngôn này là đã giúp cho báo chí có nguồn thông tin chính thống và buộc các cơ quan hành chính phải có trách nhiệm trả lời báo chí. Đó là điểm nổi bật nhất. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, cụ thể thời hạn để cung cấp thông tin cho báo chí kéo dài nên thông tin không cập nhật. Hay như quy định ít nhất 6 tháng phải có một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay là không phù hợp. Còn về người phát ngôn, theo quy định cũ người phát ngôn của cơ quan đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những phát ngôn của mình điều này cũng là hạn chế...

Vậy trong Quyết định 25 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 4.5.2013), quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có những điểm mới quan trọng nào, thưa ông?

- Quyết định số 25 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã có nhiều điểm đổi mới hơn so với quy chế ban hành năm 2007. Về việc quy định người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước đã rõ ràng hơn, chỉ có 3 người có thể được phát ngôn gồm: Một là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Hai là người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn). Ba là người được ủy quyền phát ngôn, việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, được áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.

Ngoài ra, trong Quyết định 25 có nội dung hoàn toàn mới so với quy chế cũ đó là người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn. Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó. Đây là nội dung mới, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, bởi trước đây một số báo đăng trung thực ý kiến người phát ngôn cũng bị kiện. Nhưng theo quy chế mới thì báo chí không bị kiện trong trường hợp đăng tải chính xác nội dung thông tin của người phát ngôn.

Vậy thời gian chậm nhất để cung cấp thông tin cho báo chí có gì thay đổi không, thưa ông?

- Đây là một trong những nội dung đổi mới quan trọng. Về thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin có 2 trường hợp, một là cung cấp thông tin định kỳ, đã được rút ngắn thành ít nhất 3 tháng tổ chức 1 lần (trước đây là 6 tháng). Thứ hai là trong những trường hợp đột xuất bất thường, xảy ra những vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (quy chế cũ quy định chậm nhất 2 ngày).

img
Với quy chế mới về phát ngôn, báo chí sẽ có nhiều thông tin phục vụ độc giả. Ảnh minh họa

Việc cung cấp thông tin cho báo chí chậm nhất là 1 ngày kể từ sau khi sự việc xảy ra là điểm mới, tuy nhiên trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, thời gian như thế liệu có quá chậm?

- Tôi muốn nhấn mạnh lại là chậm nhất trong 1 ngày, chứ nếu sớm hơn thì càng tốt, nhưng chậm nhất trong 1 ngày phải cung cấp thông tin ban đầu để báo chí phản ánh cho toàn thể nhân dân được biết. Trường hợp này chỉ áp dụng cho những vấn đề lớn mới xảy ra như vụ cướp ngân hàng, vụ tai nạn thảm khốc, thiên tai bão lũ, dịch bệnh... Còn những vấn đề như về đường lối chính sách... thì họ cũng không nhất thiết phải trả lời ngay vì họ cần thời gian nghiên cứu văn bản.

Nếu người phát ngôn đi vắng mà không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”.

Thực tế có người phát ngôn là rất tốt nhưng do không nắm rõ các thông tin chuyên sâu nên thông tin không toàn diện cụ thể (hoặc chưa chuẩn xác). Vậy ngoài người phát ngôn, cần có người chuyên môn trả lời?

- Quy chế mới cũng đã nói rõ vấn đề này. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (người được ủy quyền phát ngôn) hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao. Nếu người phát ngôn đi vắng mà không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Liên quan đến câu chuyện xử lý vi phạm, nhiều cơ quan bộ ngành từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, thậm chí từ chối nhiều lần. Vậy đối với những trường hợp này sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?

- Trong trường hợp các cơ quan, bộ ngành từ chối cung cấp thông tin cho báo chí thì các nhà báo phản ánh về Bộ TTTT. Nếu các cơ quan, bộ ngành không họp báo định kỳ, hay những vấn đề nóng cần trả lời trong 1 ngày mà bộ ngành đó không trả lời thì các nhà báo cứ phản ánh tới Bộ TTTT. Chúng tôi sẽ báo cáo cho Chính phủ để Chính phủ xử lý.

Nhiều cơ quan như cục, vụ, viện khi được báo chí đề nghị cung cấp thông tin thì cho biết rằng chúng tôi không có chức năng trả lời mà hỏi người phát ngôn của Bộ? Vậy quy chế mới có nói gì đến việc phát ngôn của các cơ quan nhỏ trong Bộ?

- Về vấn đề này cũng đã được quy định rồi, các bộ ngành phải có người phát ngôn, chánh văn phòng bộ là phát ngôn chung của bộ, nhưng các cục, vụ, viện cũng phải có người phát ngôn của lĩnh vực mình. Những thông tin liên quan đến các cơ quan Đảng, Nhà nước... mặc dù thông tin chính thống chưa có nhưng thông tin lề trái đã đưa tin và cũng chính xác? Trong lúc đó, người phát ngôn mặc dù không từ chối cung cấp thông tin nhưng lần lữa mãi để chậm đi làm mất tính thời sự thì xử lý như thế nào?

Trong quy chế phát ngôn mới đã xác định xử lý nghiêm những người phát ngôn không cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, để tạo ra dư luận xấu cho xã hội, không định hướng được thông tin. Chúng ta có hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 1.000 ấn phẩm, hàng trăm báo điện tử mà chúng ta không chủ động được thông tin, đấy là cái yếu hiện nay. Do vậy, việc Chính phủ yêu cầu các cơ quan hành chính, bộ ngành phải chấn chỉnh kịp thời, vừa cho dư luận hiểu đúng, vừa có tác dụng định hướng thông tin cho xã hội là cần thiết”.

Việc người phát ngôn không thực hiện quy chế, để cho các mặt trận thông tin khác chiếm lĩnh mặt trận thông tin trước (blog, facebook…) đây là vấn đề lớn. Trong hội nghị công tác báo chí, hội nghị của Hội Nhà báo, anh Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ TTTT cũng có phát biểu rằng: Toàn bộ báo chí là công cụ của chúng ta, chúng ta không cung cấp thông tin thật nhanh để cho các mạng khác thông tin xuyên tạc, chúng ta đã không chủ động được thông tin. Vấn đề này đang bất cập, chính vì thế Chính phủ rất bức xúc và làm lại quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Trong quy chế này cũng xác định xử lý nghiêm những người phát ngôn không cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, để tạo ra dư luận xấu cho xã hội, không định hướng được thông tin. Chúng ta có hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 1.000 ấn phẩm, hàng trăm báo điện tử mà chúng ta không chủ động được thông tin, đấy là cái yếu hiện nay. Do vậy, việc Chính phủ yêu cầu các cơ quan hành chính, bộ ngành phải chấn chỉnh kịp thời, vừa cho dư luận hiểu đúng, vừa có tác dụng định hướng thông tin cho xã hội là cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem