Không trả tiền lại chuyển nhầm vào tài khoản có bị xử lý?

Theo Hoàng Linh/zing.vn Thứ bảy, ngày 14/05/2022 11:27 AM (GMT+7)
Trường hợp nếu chứng minh được số tiền chiếm giữ từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tại Khoản 1, Điều 176, Bộ luật hình sự 2015.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Tôi mới chuyển khoản nhầm 50 triệu đồng cho một người. Trường hợp phía nhận tiền cố tình không trả thì tôi phải giải quyết như thế nào. Pháp luật quy định xử lý ra sao về hành vi này? 

Độc giả Tuấn Đức, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Trả lời:

Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa 

Pháp luật quy định việc không trả lại số tiền chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Nghĩa vụ hoàn trả được quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người có quyền khác với tài sản đó. Nếu không tìm được người cần trả tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, Điều 580 Bộ luật này cũng quy định người chiếm hữu, sử dụng phải hoàn trả toàn bộ tài sản thu được. Đây là nghĩa vụ bắt buộc nên nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì bị coi là vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự. 

Về chế tài hành chính, Điểm e, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác bị phạt tiền 2-5 triệu đồng. Người nước ngoài nếu thực hiện hành vi này có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Không trả tiền chuyển nhầm vào tài khoản có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 2.

Nếu chuyển nhầm số tiền 50 triệu đồng, bạn cần liên hệ ngân hàng và bên nhận tiền để giải quyết. Ảnh minh họa. Ảnh: D.V

Về chế tài hình sự, Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. 

Trường hợp số tiền chiếm giữ từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tại Khoản 1 Điều này với khung hình phạt là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Như vậy, nếu chuyển nhầm số tiền 50 triệu đồng, bạn cần liên hệ ngân hàng và bên nhận tiền để giải quyết. Trường hợp người nhận cố tình không trả lại và sử dụng, chiếm đoạt số tiền đó, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm ra cơ quan công an, yêu cầu xử lý người này về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem