Không tuyển nói ngọng, thí sinh muốn thi ngành Sư phạm ngậm ngùi vì quy định khó

Tào Nga Chủ nhật, ngày 02/05/2021 13:29 PM (GMT+7)
Nhiều thí sinh ở các địa phương bày tỏ khó khăn trước quy định không tuyển thí sinh ngành Sư phạm bị nói ngọng.
Bình luận 0

Không tuyển thí sinh ngành Sư phạm nói ngọng

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mới đây đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2021. Theo đó, trường tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, Xét tuyển các đối tượng đáp ứng điều kiện do trường đề ra, Xét học bạ THPT, Xét tuyển kết hợp kết quả thi năng khiếu tại Đại học Sư phạm và kết quả tốt nghiệp THPT.

Năm nay, trường dự kiến tuyển 7.094 chỉ tiêu, tăng gần gấp đôi so với năm 2020 là 4.330 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường đưa ra quy định không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp...

Trước quy định không tuyển thí sinh nói ngọng, nhiều thí sinh địa phương than gặp khó khăn. Một thí sinh ở Thạch Thất, Hà Nội bày tỏ lo lắng vì bản thân em nói giọng địa phương. "Chúng em sẽ cố gắng để sửa nhưng ở trong môi trường mọi người đều nói sai thì rất khó. Trường đưa ra quy định từ khâu đầu vào như vậy khiến nhiều thí sinh phải từ bỏ ngành nghề mình yêu thích này", thí sinh này nói.

Không tuyển nói ngọng, thí sinh muốn thi ngành Sư phạm ngậm ngùi vì quy định khó - Ảnh 1.

Không tuyển thí sinh ngành Sư phạm nói ngọng khiến nhiều thí sinh địa phương lo lắng. (Ảnh: Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội).

Bạn Nguyễn Thu Hương, ở Hưng Yên cho biết: "Ở địa phương em và một số nơi khác nói sai lỗi chính tả N-L rất nhiều. Rất khó để yêu cầu chúng em sửa ngay lập tức để thi vào ngành Sư phạm". 

Ngoài việc mong trường Đại học Sư phạm Hà Nội nới lỏng quy định tuyển sinh về giọng nói, các bạn còn mong muốn quy định này được áp dụng thành chuẩn đầu ra. "Nếu sinh viên sau 4 năm học đại học vẫn không sửa được lỗi sai sẽ không được tốt nghiệp. Em nghĩ quy định này sẽ thiết thực hơn", Thu Hương cho biết.

Đã là ngành Sư phạm phải nói chuẩn

Liên quan đến quy định này, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Quy định là đúng đối với ngành Sư phạm. Các em nói ngọng chủ yếu là do ngôn ngữ địa phương, nhưng có người sửa được và không sửa được. Trong quá trình giảng dạy trong trường chúng tôi đều sửa cho sinh viên".

Bà Hương chia sẻ thêm: "Trong quá trình kiểm tra tuyển sinh đầu vào thấy cũng có sinh viên cố sửa nói ngọng. Dù kiểm tra này không phản ánh đúng sự thật nhưng cũng cho thấy bạn đó đã nỗ lực sửa, và nếu cố gắng trong 4 năm học vẫn có thể sửa được. Còn những bạn có cơ cấu miệng bị dính thắng lưỡi thì không thể làm được ngành Sư phạm.

Quy định này khiến những bạn gặp vấn đề về giọng nói phải cân nhắc. Nếu thực sự yêu nghề, phải nỗ lực sửa, nếu không sửa được, nên chọn nghề khác. Ví dụ như bạn theo ngành Y, nếu bạn sợ máu nhìn thấy máu ngã lăn ra ngất thì không thể theo được. Điều đó không thể nói là bất công bằng. Nói giọng địa phương không xấu nhưng nghề giáo phải có quy định vì ảnh hưởng đến nhiều thế hệ về sau".

"Nên chọn nghề nghiệp cho mình tốt lên chứ không phải là ngành nghề yêu thích và làm được. Và không phải lúc nào cũng hỗ trợ cho học sinh. Các em sẽ không thấy tính nghiêm trọng, nghiêm túc trong việc chọn nghề. Cần có yêu cầu khắt khe hơn bắt các bạn phải nỗ lực", bà Hương bày tỏ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem