Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung: Gìn giữ “kho báu” đa dạng sinh học

Ngọc Giàu Thứ hai, ngày 28/06/2021 08:17 AM (GMT+7)
Với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, rừng Nâm Nung được xem là "kho báu" về đa dạng sinh học.
Bình luận 0

Vì vậy những năm qua, Ban quản lý dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (tỉnh Đăk Nông) đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây.

"Kho báu"… giữa trời

Mặc dù Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (BTTN Nâm Nung) có diện tích không lớn bằng các khu bảo tồn khác ở Tây Nguyên, nhưng hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú, được xếp vào cấp bảo tồn quốc gia.

Nơi đây có 2 hệ sinh thái chủ yếu là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh và rừng gỗ hỗn giao tre nứa tự nhiên. Trong đó, hệ sinh thái rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh chiếm diện tích lớn, trên 90% diện tích khu bảo tồn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung: Gìn giữ “kho báu” đa dạng sinh học  - Ảnh 1.

Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Nâm Nung tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: N.G).

Khu BTTN Nâm Nung nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đăk Nông, có diện tích tự nhiên hơn 21.800ha, thuộc địa giới hành chính 7 xã của 3 huyện, gồm các xã Nâm Nung, Nâm N'Đir, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) và các xã Đăk Hòa, Đăk Mol, Nâm N'Jang (huyện Đăk Song). Khu BTTN Nâm Nung có đỉnh núi Nâm Nung (núi Sừng Trâu) cao 1.500m - cao nhất vùng Nam Tây Nguyên - nên được ví như "nóc nhà" của tỉnh Đăk Nông.

Hệ thực vật vô cùng đa dạng cũng góp phần phát triển nguồn tài nguyên phong phú nơi đây, với 881 loài thực vật, trong đó có 75 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sồi ba cạnh... 

Động vật có hơn 58 loài thú, trong đó 24 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn như: voi, bò tót, chà vá chân đen, vượn đen, cầy mực, bò rừng... 

Ngoài ra phải kể đến sự đa dạng của 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát và ếch nhái…

Với những tài nguyên quý giá có được, Khu BTTN Nâm Nung hứa hẹn là điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với những ai đang mong muốn được tham quan, trải nghiệm "ngôi nhà thiên nhiên" trù phú, xanh bạt ngàn của Nam Tây Nguyên.

Nỗ lực quản lý, bảo vệ rừng

Thực tế thời gian qua, có khá nhiều áp lực khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu BTTN Nâm Nung gặp nhiều khó khăn. 

Do địa bàn rộng, hiểm trở, chia cắt, đường ranh giới dài, trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng nên việc tuần tra, kiểm soát tài nguyên rừng, bao quát toàn bộ lâm phần là điều không dễ dàng.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn, thu nhập bấp bênh, hiểu biết pháp luật hạn chế, trong khi giá trị lâm sản ngày càng cao nên không ít trường hợp đi khai thác gỗ trái phép.

Với sự quan tâm của UBND tỉnh Đăk Nông, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NNPTNT cùng với nỗ lực của tập thể công chức, viên chức và người lao động, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Khu BTTN Nâm Nung đã đạt được nhiều kết quả tích cực thời gian quan.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án Khu BTTN Nâm Nung đã thường xuyên, liên tục quán triệt, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ rừng. 

Đó là tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về bảo vệ, phát triển rừng tại các thôn, xã… nhằm vận động, nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án Khu BTTN Nâm Nung đã ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 284 hộ dân, tổng diện tích giao khoán khoảng 3.000ha. 

Chủ trương này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân, hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, đồng thời tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng.

Ngoài ra, từ năm 2016 - 2018, Ban quản lý dự án Khu BTTN Nâm Nung còn tổ chức vận động, tuyên truyền các hộ dân có đất xâm canh trái pháp luật trả lại đất, tham gia trồng rừng thay thế với diện tích 97ha.

Những năm qua, Ban quản lý dự án Khu BTTN Nâm Nung đã tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng; phối hợp chính quyền và cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa chung. 

Nhờ vậy công tác bảo vệ, phát rừng tại Khu BTTN Nâm Nung ngày càng có hiệu quả, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng giảm xuống rõ rệt.

Với tinh thần bảo vệ "mái nhà thiên nhiên", với sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Ban quản lý dự án Khu BTTN Nâm Nung, lực lượng kiểm lâm nơi đây vẫn ngày đêm trèo đèo lội suối, không ngại khó khăn, nguy hiểm vì sự bình yên của những cánh rừng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem