Hàng loạt dự án đầu tư lớn về công nghệ thông tin (CNTT) đang “đổ” vào Khu Công nghệ cao (CNC) TP HCM - SHTP, mang lại những giá trị lớn, khẳng định sức hút rất mạnh của ngành CNC TP HCM. Một khu CNC thứ hai đang hình thành, bổ sung nguồn lực giúp ngành CNC TP HCM tăng tốc trong thời gian tới.
Nhiều dự án tỉ đô
Ngày 29-12, UBND TP HCM đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng quy mô từ 1,4 USD lên 2 tỉ USD cho dự án “Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex”. Lần điều chỉnh này sẽ bổ sung nội dung thành lập phòng thí nghiệm đo kiểm điện tử, viễn thông và bảo hành sửa chữa trong phạm vi nhà máy của dự án cùng với những cam kết về lộ trình, tỉ lệ nội địa hóa và thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
FPT Software, một đơn vị đạt doanh thu cao tại SHTP.
Đây là dự án đầu tư tỉ đô thứ hai tại SHTP sau dự án 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel vào năm 2006. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết: “Dự án đầu tư của Samsung Electronics sẽ tạo sự lan tỏa, thu hút nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn nước ngoài tên tuổi, tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của TP HCM. Đây là cơ hội thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNC xuất khẩu và góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý tiên tiến cho thành phố”.
Ngày 17-12, SHTP cũng đã cấp chứng nhận đầu tư mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Samsung Electronics với tổng vốn 112 triệu USD cho Công ty TNHH Daihan Climate Control đầu tư nhà máy sản xuất bộ trao đổi nhiệt sử dụng trong máy lạnh, tủ lạnh và Công ty Intops đầu tư nhà máy sản xuất đồ điện tử và linh kiện CNTT. Ngày 30-6, dự án của Công ty CP Thông minh MK (tổng vốn 41 tỉ đồng) và dự án Trung tâm Đào tạo nhân lực chất lượng cao HUTECH của Trường ĐH Công nghệ TP HCM (tổng vốn 450 tỉ đồng) cũng đã được cấp phép. Tháng 4-2014, SHTP đã cấp phép cho dự án phát triển khu Sài Gòn Silicon City của Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon với tổng vốn khoảng 860 tỉ đồng; dự kiến, đầu năm 2016 tổng vốn đầu tư sẽ tăng lên khoảng 1,5 tỉ USD.
Đến nay, SHTP đã thu hút được nhiều nhà đầu tư với tổng số 82 chứng nhận đầu tư đã cấp và tổng số vốn đăng ký trên 4,3 tỉ USD và hiện có 46 DN đi vào hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Intel, Nidec, Samsung, Jabil...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết: “TP HCM cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án tại SHTP, qua đó khẳng định môi trường đầu tư đầy lợi thế cạnh tranh của
TP HCM trong tiến trình hội nhập năng động của Việt Nam với nền kinh tế khu vực và thế giới trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức trở thành một thực thể pháp lý vào ngày 31-12-2015”.
Tạo ra giá trị gia tăng cao
Theo thống kê, nếu tính lũy kế, SHTP đạt giá trị sản xuất 13,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 13,5 tỉ USD qua các năm. Như vậy, giá trị xuất khẩu của SHTP bình quân giai đoạn 2011-2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đạt 94% so với giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC của TP HCM. Nếu so với giá trị xuất khẩu của TP HCM (không tính dầu thô), tỉ lệ xuất khẩu của SHTP tăng bình quân khoảng 5% qua các năm. Trong 8 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu trong SHTP đạt hơn 2,93 tỉ USD, tăng 68% so với cùng kỳ.
Bình quân 1 ha đất tại SHTP làm ra 29,76 triệu USD giá trị xuất khẩu. Năng suất của một lao động tại đây tạo ra giá trị xuất khẩu bình quân năm 2014 đạt gần 145.000 USD, gấp 7 lần so với các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP HCM. SHTP đang tập trung thu hút đầu tư các ngành CNC thuộc 4 lĩnh vực: công nghệ vi mạch bán dẫn, CNTT và viễn thông; công nghệ tự động hóa, cơ khí chính xác; công nghệ sinh học áp dụng cho y tế, dược phẩm và môi trường; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano và năng lượng.
Về đào tạo nhân lực CNC, ông Lê Thành Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo thuộc SHTP, cho biết trong 10 năm, trung tâm đã tổ chức trên 550 khóa học kỹ năng cho khoảng 10.000 lượt học viên và cung ứng 405 chuỗi lao động với trên 21.000 lao động chất lượng cao cho DN. Hiện tại, đề án nâng cấp phòng thí nghiệm vi mạch tại SHTP với kinh phí hơn 14 triệu USD nhằm phục vụ chương trình vi mạch của TP HCM đang được ưu tiên thực hiện. Dự kiến, đến năm 2016, sẽ khởi động chế tạo các linh kiện có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu 10.000 bán dẫn trong năm đầu sản xuất.
Hướng đến công nghệ vũ trụ
Ông Dương Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết: Một công viên khoa học công nghệ 197 ha đang được xúc tiến xây dựng và được xem là Khu CNC thứ hai của TP HCM. Dự án này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP HCM theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp CNC. Trước mắt, mục tiêu của dự án là thu hút đầu tư sản xuất CNC, nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Đồng thời, hình thành các trung tâm nghiên cứu, nâng cấp công nghệ có tiềm năng và lợi thế của TP HCM. Các sản phẩm chủ yếu của công viên là CNTT, công nghệ và sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ, cơ điện tử và tự động hóa, công nghệ y sinh...
|
Chánh Trung (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.