“Khù khờ” và những câu chuyện vỗ về “đứa trẻ bên trong”
“Khù khờ” và những câu chuyện vỗ về “đứa trẻ bên trong”
Nông Thảo
Chủ nhật, ngày 30/04/2023 14:00 PM (GMT+7)
Giữa cuộc sống xô bồ, tấp nập chốn thành thị, cô gái "khù khờ" tìm lại chính mình và mong muốn lan tỏa giá trị chữa lành “đứa trẻ bên trong” mọi người khỏi những tổn thương.
Cô gái nhỏ Nguyễn Thị Hà My (28 tuổi, ở Hà Nội) bộc bạch: “Sau khi học hết cấp 3, bản thân mình không có định hướng, không có ước mơ, không biết thực sự mình thích gì và muốn làm gì. Lúc đó, vì bố mẹ mong muốn mình trở thành giáo viên nên mình đã lựa chọn theo học sư phạm”.
Khi đi học, My luôn cảm thấy vô cùng chán nản, nhưng chính câu hỏi: “Em có thực sự muốn làm giáo viên không?" của cô chủ nhiệm đã thức tỉnh My.
Để không khiến bố mẹ phải buồn lòng, My vẫn cố gắng hoàn thành chương trình học nhưng từ thời điểm đó, cô đã quyết định mình sẽ không theo nghề giáo.
Sau trải nghiệm mua chiếc túi tote trên sàn thương mại điện tử không tốt, My liên tục phàn nàn với người dì làm thợ may của mình khiến dì phải may cho cô một chiếc túi mới, dù với chi phí chưa tới một nửa chiếc túi kia nhưng lại tốt hơn rất nhiều.
Thấy vậy, trong một lần gây quỹ tình nguyện. My đã nảy ra ý định may túi bán lấy lãi góp quỹ. Không ngờ, khi thấy những chiếc túi My, làm các bạn của cô rất thích và còn gợi ý sao không may để bán. Nên My đã mày mò và tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác để bán và vô tình gắn bó với đồ handmade từ khi đó.
Sau khi quyết định từ bỏ con đường sư phạm, My quyết định tự chọn ra con đường cho mình. Từ sở thích yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, thích sáng tạo và thiết kế, My theo học lớp thiết kế và sau đó làm việc tại một công ty. Đồng thời, My lập fanpage tiếp tục bán đồ handmade online mang tên “khù khờ”.
Mặc dù đã làm công việc theo đúng sở thích và có thu nhập ổn định nhưng My chợt nhận ra chỉ khi làm đồ handmade bản thân mới thực sự được là chính mình. Cô đã hạ quyết tâm và đặt mục tiêu cố gắng đến năm 2023 sẽ có một cửa hàng offline của riêng mình.
Ngày làm việc ở văn phòng đêm về làm đồ trả khách, làm song song 2 việc như vậy nên áp lực về thời gian đã khiến My mệt mỏi và nhiều lần có ý định từ bỏ.
“Có những ngày khi cả văn phòng nghỉ trưa thì mình lại phải tranh thủ đi ship hàng. Nhiều đêm mình phải thức trắng làm để kịp trả đồ cho khách. Mình đã suy nghĩ tại sao mình lại phải vất vả và tự làm khổ bản thân như này”, My chia sẻ.
Giá trị từ những câu chuyện chữa lành
Sau bao cố gắng, My chính thức từ bỏ công việc văn phòng và có cho riêng mình tiệm bán đồ handmade mang tên “Khu Khờ Diary” vào đầu năm 2023.
My cho biết: “Rất nhiều người cũng thắc mắc về cái tên khù khờ. Mình nghĩ là người lớn nào cũng từng là trẻ con, dù lớn thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn luôn có một đứa trẻ trong mình. Nên khi nhắc đến khù khờ mình hy vọng các bạn luôn bảo vệ luôn vỗ về đứa trẻ bên trong mình trước những khó khăn và áp lực xô bồ của cuộc sống, vẫn được khù khờ với chính bản thân mình".
My bày tỏ: “Ngoài bán hàng mình còn mở thêm các workshop thêu để chữa lành. Mình mong rằng khi ai đọc được những câu chuyện trên fanpage hay đến cửa hàng trải nghiệm cũng sẽ nhận được nguồn năng lượng an lành, và tìm thấy cảm giác được chữa lành, vỗ về tâm hồn mình”.
Bạn Hương Lan (24 tuổi) cho biết: “Sau khi đọc những câu chuyện trên fanpage, tôi cảm thấy như xung quanh tôi vẫn còn những thứ tốt đẹp diễn ra. Đôi khi sự an nhiên đến từ những điều vô cùng nhỏ bé xung quanh ta, đừng quá khắt khe với chính mình”.
Không những vậy, “Những câu chuyện ở đó đã giúp mình có niềm tin và động hơn hơn. Chúng mang lại một chút hy vọng gì đó đối với những chuyện không như ý đã xảy ra”, Huyền Chang (27 tuổi) chia sẻ.
Còn với My thì hơn thế nữa: “Khi làm đồ thủ công, chúng ta phải rất yên tĩnh và tập trung. Đó như một khoảng thời gian để bản thân nghỉ ngơi, gạt bỏ những xô bồ của cuộc sống và khi sử dụng những món đồ nhỏ xinh do tự tay mình làm ra, ta cảm thấy như được làm bạn với chính mình và yêu bản thân mình hơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.