Khúc tráng ca của người Hà Nội: Chít khăn tang đánh giặc

Thứ sáu, ngày 21/12/2012 17:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong vòng 5 năm, những trận mưa bom khủng khiếp của quân địch đã cướp đi mạng sống của bố, rồi mẹ bà Phạm Thị Viễn khi bà cùng các em còn rất nhỏ. Nhưng, tội ác ấy không thể đánh gục ý chí chiến đấu kiên cường của nữ pháo thủ chít khăn tang đánh giặc 40 năm trước.
Bình luận 0

Biến đau thương thành hành động

Trong căn nhà ấm cúng ở ngách 75, ngõ 281 phố Trương Định, bà Phạm Thị Viễn giờ đang sống an nhàn, vui vầy bên các con và 4 đứa cháu nội, ngoại. Nhưng, khi kể lại câu chuyện cách đây 40-45 năm, mắt bà lại ngấn lệ, giọng thỉnh thoảng lại lạc đi vì xúc động. Sinh năm 1951, do nhà đông con, lại nghèo nên bà Viễn đã đi học nghề ở Nhà máy Cơ khí Mai Động từ năm 15 tuổi.

img
Nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn chít khăn tang đánh giặc cách đây 40 năm.

Đất nước thời chiến, gia đình ai cũng khó khăn, ai cũng phải nỗ lực lao động, sản xuất. Cố gắng làm thêm ca, bà Viễn gắng sức góp công tham gia chiến đấu. Đến năm 1967, bà đã phải trải qua nỗi đau mất mẹ. Trong một lần máy bay địch rải bom bi, mẹ bà không thể thoát nạn khi nhà trúng bom. Căn nhà nhỏ của gia đình bà trong phút chốc bị đánh sập. Nuốt nỗi đau vào lòng, bà Viễn biến đau thương thành hành động. “Ngay sau khi mẹ mất, biết tin tự vệ nhà máy được tập trung để tăng cường sức chiến đấu, phục vụ kháng chiến, tôi đã nộp đơn và được kết nạp vào đội tự vệ”- bà Viễn kể.

5 năm sau, khi nỗi đau mất mẹ tạm nguôi ngoai thì bà Viễn lại đứt từng khúc ruột khi bố qua đời. Ngày 26.12.1972, những trận bom kinh hoàng của máy bay địch đã giết chết bố bà cùng rất nhiều người dân Hà Nội khác. Bà Viễn chỉ biết hung tin từ người em gái khi vẫn đang trực chiến. Đau đớn lắm khi một người thân nữa ra đi vì bom đạn của địch, bà Viễn nuốt nỗi đau vào trong và chít khăn tang để tiếp tục chiến đấu.

Kể đến đây, giọng bà như nghẹn lại: “Thời ấy, tôi thường từ trận địa về nhà lấy gạo. Lúc nào bố tôi cũng bảo ông tự lo được cho bản thân và chỉ lo cho con gái rồi dặn dò tôi đủ thứ. Ông luôn động viên tôi hãy yên tâm chiến đấu. Vậy mà…”.

Nữ pháo thủ huyền thoại

Tạm vơi nỗi buồn về ký ức mất cha mẹ, bà Viễn vui hẳn lên khi kể về chiến công bà cùng đồng đội bắn rơi máy bay địch. Vào thời điểm ấy, bà luôn trực chiến trên trận địa với hỏa lực của Trung đội súng máy cao xạ của Nhà máy Cơ khí Mai Động là 2 khẩu 14,5mm có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu như Nhà máy Dệt 8.3, Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Dệt Minh Khai và các trận địa pháo 37mm, 100mm của bộ đội khu vực Vĩnh Tuy, Mai Động, Vân Đồn...

Chiều 22.12.1972, máy bay địch rải thảm bom đạn khắp đất trời Hà Nội. Đâu đâu cũng gánh chịu những đau thương, mất mát. Nhưng quân và dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, trong đó có liên đội tự vệ của bà Viễn cùng đồng đội. Trận địa pháo ở Vân Đồn mà bà Viễn tham gia chiến đấu khi ấy gồm 4 khẩu pháo cao xạ do trung úy Hoàng Minh Giám (được Quân khu Thủ đô điều ra hỗ trợ) làm chỉ huy. Bà Viễn nhớ lại: “Nỗi căm hờn tội ác của địch khiến mọi người như quên mệt, quên đau. Rồi thời cơ đã tới khi chúng tôi nhìn thấy một tốp máy bay F111 A của địch. Rất bình tĩnh chỉ huy trận địa pháo, anh Giám đợi đúng thời cơ rồi hạ lệnh bắn. Ngồi ở vị trí pháo thủ số 1, sau khi pháo của ta bắn vào máy bay địch, tôi nhìn thấy máy bay trúng đạn ở phần đuôi”.

4 thập kỷ đã qua, ký ức về những năm tháng “Điện Biên Phủ trên không” vẫn không phai nhạt trong ký ức nữ pháo thủ huyền thoại.

Mọi người hồi hộp chờ đợi tin tức. Khoảng 30 phút sau, chiếc xe quân sự của quận Hai Bà Trưng tới báo tin: Các anh, chị vừa bắn rơi máy bay F111 A. “Ngay sau khoảnh khắc ấy, chúng tôi ôm nhau hò reo. Ai cũng vui khi hạ được máy bay địch”- bà Viễn kể.

4 ngày sau chiến công ấy, bà Viễn nhận tin bố trúng bom. Đau đớn lắm khi 3 ngày sau, mấy chị em mới tìm thấy thi thể không còn nguyên vẹn của bố, nhưng bà Viễn vẫn bám trụ trận địa, chít khăn tang để cùng đồng đội chiến đấu.

Vài ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Gặp nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn, đầu chít khăn tang vẫn quyết tâm làm nhiệm vụ, Đại tướng đã thăm hỏi động viên. Ít lâu sau, bà Viễn được đồng đội gửi tặng bài thơ “Việt Nam máu và hoa” do nhà thơ Tố Hữu sáng tác. Trong bài thơ này, bà Viễn nhớ như in và luôn xúc động khi đọc đến đoạn “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha mất mẹ/Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem