Khung hình phạt kẻ chém trung tá công an và 2 bảo vệ dân phố?

Quang Trung Thứ ba, ngày 30/05/2023 07:21 AM (GMT+7)
Các luật sư đã bình luận về vụ đối tượng bán hàng rong ở huyện An Biên (Kiên Giang) dùng dao đuổi theo và chém nhiều nhát làm Phó trưởng công an thị trấn và 2 bảo vệ dân phố bị thương nặng.
Bình luận 0

Chém Phó trưởng công an thị trấn và 2 bảo vệ dân phố vì bị xử phạt bán hàng rong

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Danh Dương (37 tuổi, ngụ thị trấn Thứ 3, huyện An Biên) về hành vi "Giết người".

Theo điều tra ban đầu, sáng 27/5, tổ công tác Công an thị trấn Thứ 3 thực hiện việc giải tỏa hành lang lộ giới, xử lý các trường hợp mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Khung hình phạt kẻ chém trung tá công an và 2 bảo vệ dân phố có thể đối mặt? - Ảnh 1.

Công an tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Danh Dương để điều tra, làm rõ về tội giết người. Ảnh: CACC

Khi tổ công tác đến khu vực chợ ở khu phố 2, phát hiện Dương đang dùng xe 3 bánh để bán trái khóm, dừng đỗ vi phạm lấn chiếm lòng lề đường. Tổ công tác lập biên bản, tạm giữ cân, loa cầm tay của Dương.

Bị can không chấp hành ký biên bản và chạy về nhà lấy 2 dao, sau đó quay lại chợ dùng lời lẽ thô tục xúc phạm những người thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp đó cầm 2 dao chém vào đầu trung tá Nguyễn Văn Phòng, Phó trưởng Công an thị trấn Thứ 3. Lúc này, trung tá Phòng đội mũ bảo hiểm nên không bị thương.

Ông Cao Thế Nhiên (bảo vệ dân phố, thành viên tổ công tác) đến can ngăn, thì bị Dương cầm dao đuổi chém. Trong lúc bỏ chạy, ông Nhiên té ngã, bị Dương chém nhiều nhát vào người.

Trung tá Phòng rút súng định khống chế nghi phạm, nhưng súng bị kẹt đạn nên không nổ. Bị can Dương cầm dao chém trung tá Phòng. Trung tá Phòng dùng tay đỡ làm rớt con dao.

Sau đó, Dương chạy vào nhà dân lấy 2 dao quay sang tấn công ông Phạm Hoài Ân (bảo vệ dân phố, thành viên tổ công tác). Sau một hồi giằng co, ông Ân khống chế được Dương.

Do vết thương nặng, trung tá Phòng và ông Nhiên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ông Ân bị thương nhẹ, nên được nằm điều trị ở Trung tâm y tế huyện An Biên.

Nạn nhân không tử vong vẫn có thể bị xử lý tội giết người

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân. Đặc biệt là với người thi hành công vụ, hành vi dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể xử lý hình sự.

Nếu chống người thi hành công vụ gây ra thương tích hoặc có thể dẫn đến thiệt mạng nạn nhân (người thi hành công vụ), người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Còn với hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu có thể dẫn đến chết người, đối tượng nhận thức được hành vi của mình nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi có thể xâm phạm đến tính mạng của người khác, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Bởi vậy, theo ông Cường, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến từng hành vi vi phạm pháp luật, làm rõ khả năng sát thương của hung khí, tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức của nghi phạm để chứng minh tội phạm.

Về nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, có hành vi có thể là tình tiết định tội, có hành vi có thể là tình tiết tăng nặng hình phạt hoặc tình tiết định khung hình phạt.

Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm pháp luật để xác định hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm để xác định là tình tiết định tội, hành vi nào sẽ được xác định là tình tiết định khung hình phạt và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

"Trường hợp hành vi có thể dẫn đến chết người, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghi phạm về tội giết người. Vì nạn nhân không chết, nên nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm có thể đối mặt khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù" – vị chuyên gia nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng luật sư Nhân Chính cho biết, hành vi của nghi phạm là hành vi của tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, việc nạn nhân không chết nằm ngoài ý thức chủ quan của nghi phạm nên có đủ cơ sở xử lý về tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, khung hình là phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình, trường hợp nạn nhân không chết nếu áp dụng quy định phạm tội chưa đạt, hình phạt tù cao nhất nghi phạm có thể phải đối mặt là không quá 20 năm.

Trường hợp này, nghi phạm có thể sẽ bị áp dụng hàng loạt tình tiết tăng nặng như giết 2 người trở lên, giết người đang thi hành công vụ, hành vi có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, nghi phạm còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem