Khôi phục du lịch nội địa: Khó khăn về nhận thức an toàn của từng địa phương
Khôi phục du lịch nội địa: Khó khăn lớn, một số địa phương lo sợ an toàn không ủng hộ
Thanh Hà - Thanh Tùng
Thứ tư, ngày 29/09/2021 09:51 AM (GMT+7)
Giải pháp khôi phục du lịch nội địa xác định vùng xanh thực hiện theo hình thức bong bóng du lịch, chính là con đường nối các điểm an toàn lại với nhau. Đó là mong muốn của rất nhiều chuyên gia du lịch tại lễ phát động chương trình khôi phục du lịch nội địa.
Chiều 28/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Chương trình khôi phục du lịch nội địa, với chủ đề "Kết nối xanh du lịch Việt Nam" với sự tham gia của cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch nhiều tỉnh, thành phố nhằm tìm giải pháp để phục hồi và phát triển ngành Du lịch.
Chia sẻ tại lễ phát động, ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Thời điểm hiện tại, mặc dù đại dịch covid-19 vẫn còn đang tác động rất nặng nề, tuy nhiên chúng ta buộc phải khởi động. Chính trong thời điểm khó khăn này chúng ta mới biết rằng chúng ta làm cái gì là phù hợp nhất và sẽ tìm ra những điểm yếu để khắc phục.
Hiện nay việc khôi phục du lịch nội địa diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là quan điểm về du lịch, quan điểm về an toàn ở các địa phương là khác nhau. Khái niệm an toàn chưa được hiểu rõ. Chính vì vậy, quy trình thực hiện bằng những chính sách của các địa phương cũng khác nhau. Rất nhiều địa phương tích cực để triển khai du lịch và coi du lịch là một công cụ để phát triển kinh tế. Nhưng vẫn còn những địa phương lại quá lo sợ vấn đề an toàn nên họ không ủng hộ. Nhưng họ không hiểu trong du lịch, du khách không chỉ di chuyển trong một địa phương mà có thể là nhiều địa phương khác. Vậy nên trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa tỉnh nọ với tỉnh kia mà hiện tại chúng ta chỉ có giới hạn giữa các vùng an toàn với nhau mà thôi.
Khó khăn tiếp nữa là vận chuyển, đây là vấn đề vô cùng quan trọng bởi vì máy bay của chúng ta chưa thể cất cánh ở đường bay nội địa.
Vì vậy, việc khôi phục và phát triển du lịch phụ thuộc vào các địa phương. Và hiện tại việc khôi phục này chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các địa phương như: Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng..."
Kết nối xanh du lịch là con đường tốt nhất để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới
Theo ông Vũ Thế Bình Chương trình có chủ đề "Kết nối xanh du lịch Việt Nam" với nội dụng được xây dựng dựa trên các tiêu chí an toàn: Đối với khách từ 18 tuổi phải tiêm đầy đủ các liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động; quy định rõ chi phí xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu khách trở thành F0; phải có bảo hiểm với trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh du lịch chỉ lựa chọn những điểm du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ cho đoàn khách bảo đảm tiêu chí an toàn; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn. Tại các điểm đến thuộc "vùng xanh", chỉ phục vụ số lượng khách không quá 30% công suất. Với các cơ sở lưu trú, bố trí phòng ngủ 2 người/phòng trở lên theo gia đình hoặc nhóm có cùng yếu tố dịch tễ. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, ưu tiên phục vụ tại phòng. Nếu phục vụ tại nhà hàng, thì phải có bàn ăn riêng cho từng nhóm khách; bảo đảm giữ khoảng cách giữa các nhóm khách, đoàn khách.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đều chịu ảnh hưởng nặng nề trước bối cảnh chung ở trong nước và toàn thế giới. Hầu hết các lĩnh vực liên quan đến du lịch đều chạm đáy. Có thể thấy rằng, công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú có thể sẽ không đạt mức 10%.
Khôi phục du lịch nội địa là cơ sở để chúng ta triển khai những chính sách mới, trên tinh thần đồng hành của các doanh nghiệp, các địa phương và công ty lữ hành. Có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh từng bước vượt qua những khó khăn tạo điều kiện phát triển kịp thời trong tình hình mới.
Theo ông Phạm Văn Thủy để nắm bắt nhu cầu của khách du lịch, cần thông qua kết nối từ Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp và đơn vị lữ hành.
Cần xây dựng những chính sách quảng bá, kích cầu theo hai giai đoạn là giai đoạn sau giãn cách xã hội và giai đoạn hai khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Với các hoạt động sau giãn cách cần đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải tập trung đón khách. Sau khi đã ổn định, cần mở rộng quy mô, gia tăng về chất lượng cũng như số lượng. Từ đó phát triển chất lượng với chiều sâu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các hội thảo kết nối các điểm đến, xây dựng các nội dung, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng. Các hoạt động truyền thông, quảng cáo cần được xây dựng theo một lộ trình cụ thể. Đồng thời kết hợp với các địa phương để xây dựng sức mạnh toàn ngành, tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc với mỗi địa bàn. Cần chuẩn bị tốt mọi nguồn lực, các đại phương phải quan tâm, tổ chức tiêm phòng vắc xin với các lực lượng trong ngành. Cùng với đó là tạo mọi điều kiện để các hướng dẫn viên tiếp cận những gói hộ trợ để ổn định cuộc sống".
Tổng cục Du lịch cũng mong muốn nhận được sự đồng hành của các đơn vị liên quan và Hiệp hội Du lịch để dần mở cửa khai thác du lịch tại Phú Quốc. Dự kiến trong tháng 11 sẽ mở cửa du lịch Phú Quốc, từ đó tạo tiền đề để nhân rộng mô hình du lịch với các địa phương trên cả nước.
Cũng tại lễ phát động khôi phục du lịch nội địa toàn quốc với chủ đề "Kết nối xanh du lịch Việt Nam" ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay các đơn vị hoạt động du lịch từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến của Hà Nội đã sẵn sàng hoạt động trở lại và có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, an toàn để phục vụ du khách.
Ngoài ra Sở Du lịch Hà Nội đang tham mưu với UBND thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm. Cụ thể vào khoảng tháng 10, với sự cho phép của UBND thành phố, Du lịch Hà Nội sẽ cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện, hoạt động trở lại. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.