Khuyến nông hợp tác PPP, giúp nông dân sản xuất theo thị trường

Minh Huệ Thứ tư, ngày 18/12/2019 13:20 PM (GMT+7)
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu góp ý, bàn thảo tại hội thảo Hợp tác công tư (PPP) trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 17/12, tại Hà Nội. Hội thảo có với sự tham gia của một số trung tâm khuyến nông địa phương, doanh nghiệp, đối tác và tổ chức quốc tế.
Bình luận 0

Thách thức thay đổi chiến lược hoạt động

Thông tin tại hội thảo, TS Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện (TTKNQG) cho biết: Những năm gần đây TTKNQG đã triển khai nhiều hợp tác giữa lĩnh vực công – tư (PPP) và với các đối tác quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Điểm mạnh của hệ thống khuyến nông là có chính sách khuyến nông lâu dài, nguồn tài chính ổn định; hoạt động xã hội hoá khuyến nông có sự tham gia PPP (tài chính, công nghệ, thông tin) đang được đẩy mạnh; TTKNQG đã đổi mới, cải cách phương thức tiếp cận và phương pháp thực hiện các dự án khuyến nông và đã có nhiều mô hình PPP thành công trong phát triển cây cà phê, hồ tiêu, lúa…

img

  Mô hình trồng cà phê áp dụng tưới tiết kiệm của nông dân Di Linh (Lâm Đồng) cho năng suất cao, tiết kiệm chi phí.  Ảnh: H.Y

"Cán bộ khuyến nông sẽ thay đổi dần cách thức hoạt động theo hướng trở thành người kết nối giữa nông dân với thị trường và doanh nghiệp, thiết kế giúp nông dân sản xuất dựa theo thị trường, tránh được mùa mất giá. Trước mắt chúng tôi sẽ xây dựng đề án khung, trong đó nêu rõ cách thức hoạt động, đối tác hợp tác và xây dựng mô hình làm điểm...”.

Ông Lê Quốc Thanh

Tuy nhiên, hoạt động PPP thời gian qua còn một số điểm hạn chế: Chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác PPP chính thức; thiếu sự điều phối giữa các bên tham gia. Việc phối hợp yếu dẫn tới khó khăn cho nông dân trong việc tiếp nhận hỗ trợ từ bên ngoài, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế.

Trên cơ sở đó, TTKNQG đề xuất khung hợp tác PPP về khuyến nông, bao gồm: Khối công (với sự tham gia từ các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, các viện nghiên cứu, Ban quản lý các dự án nông nghiệp...), khối doanh nghiệp (công ty thu mua nông sản, vật tư nông nghiệp, cung ứng giống…); đối tác (gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, hội đoàn thể, Liên minh HTX).

Trong khung này, khuyến nông sẽ là trung tâm kết nối khối tư, doanh nghiệp với người nông dân - đối tượng trực tiếp sản xuất.

TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh: Hệ thống khuyến nông Việt Nam đang có khoảng 30.000 người tham gia hoạt động. Tổng nguồn lực cho khuyến nông khá lớn nhưng còn phân tán, trong đó khuyến nông T.Ư mỗi năm được Nhà nước cấp kinh phí khoảng 11 triệu USD, các địa phương khoảng 30 triệu USD.

Trong nhiều năm qua, khuyến nông hoạt động chủ yếu dưới hình thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là chính, trong khi yêu cầu hiện nay là gắn người sản xuất với nhu cầu của thị trường. Trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lực lượng khuyến nông cũng phải trở thành trung tâm kết nối sản xuất với thị trường, đổi mới phương pháp, cách thức kết nối, tiếp cận và hình thức hoạt động.

“Muốn thế, khuyến nông phải có nguồn lực cả về công nghệ và tài chính. Nông dân được tiếp cận sự đa dạng công nghệ sẽ có lựa chọn sáng suốt, phù hợp, trong đó cán bộ khuyến nông sẽ là người thiết kế giúp nông dân lựa chọn công nghệ” - ông Thanh nói.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Viết - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Nafoods cho rằng: Mục tiêu nhiệm vụ của PPP có thể triển khai trong nhiều lĩnh vực, nhưng bức xúc nhất hiện nay chính là an toàn thực phẩm. Muốn xuất khẩu sản phẩm nông sản thì phải có mô hình đạt chứng chỉ, ví dụ xuất sang châu Âu phải đạt chứng chỉ GlobalGAP, thậm chí cao hơn. Thứ 2, đó là kinh tế thị trường, làm trải đều, ồ ạt sẽ không hiệu quả mà phải tính được nội tiêu cần gì, xuất khẩu cần gì để lựa chọn đối tượng sản xuất. Nếu không có định hướng người nông dân sẽ không bao giờ thoát cảnh được mùa mất giá. Người nông dân không làm được điều này mà phải có sự tham gia của doanh nghiệp.

Giúp nông dân hưởng lợi nhiều hơn 

Ông Leo Sebastian - nguyên Viện trưởng Viện Lúa Philippines, Giám đốc Quỹ CCAFS bày tỏ sự ủng hộ khung hợp tác PPP và nâng cao vai trò của khuyến nông Việt Nam.

“Tôi cho rằng khuyến nông nên có xem xét, đánh giá những mô hình đã thực hiện thành công để làm cơ sở nhân rộng. Trong đó, cần tìm hiểu nhu cầu người nông dân cần gì, từ đó có định hướng, đề xuất với Chính phủ có chính sách phù hợp. Hệ thống Khuyến nông Việt Nam đang có thuận lợi với bộ máy tương đối mạnh từ T.Ư tới cơ sở, nhưng trong tương lai, tôi đề nghị cần có cuộc “cách mạng” liên kết với lĩnh vực tư nhân và đối tác khác, tăng cường các hoạt động “mở”, như các diễn đàn, hội chợ… để nâng cao sức mạnh cho khuyến nông” - ông Leo nói.

Là một trong những TTKN đã chuyển đổi mô hình hoạt động, ông Ninh Anh Vũ – Giám đốc TTKN và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đánh giá: TTKN Lào Cai có thuận lợi là mạng lưới nhân lực tới tận cơ sở, hầu hết là cán bộ nông nghiệp có trình độ, có ngân sách và sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ. Khó khăn với TTKN ở chỗ, tuy là dịch vụ phi lợi nhuận, không thu phí của nông dân, mang tính an sinh xã hội nhưng khuyến nông vẫn phải có sản phẩm dịch vụ, có người mua, sản phẩm phải có thương hiệu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khách hàng là chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, nhưng người hưởng lợi lại là nông dân. 

"Do đó, sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp rất quan trọng cả về mặt tài chính và công nghệ, đồng hành cùng khuyến nông thực hiện tốt hợp tác PPP, trong đó mỗi thành viên thực hiện “tròn vai” của mình theo hình thức chuyên môn hoá", ông Vũ nói.

Ông Đào Xuân Cường – Giám đốc Quỹ Phát triển nông nghiệp bền vững Syngenta Foundation góp ý thêm: Hợp tác PPP phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Lâu nay các tổ chức, cơ quan nhà nước vẫn có tâm lý chủ quan, làm việc áp đặt, đứng ở bên quyền lợi cao hơn chứ chưa đặt lợi ích nông dân lên trên hết. Muốn hợp tác PPP hiệu quả, lâu bền thì chỉ còn cách đổi mới suy nghĩ, các bên cùng có lợi và có trách nhiệm đóng góp thông qua quỹ PPP.

“Trong hợp tác PPP lĩnh vực khuyến nông, tôi cho rằng có 6 điều cần ưu tiên thực hiện: An toàn thực phẩm; biến đổi khí hậu; thúc đẩy cơ giới hoá; công nghệ thông tin; hình thành, phát triển doanh nghiệp; hợp tác quốc tế”, ông Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem