Chẳng thế mà trong quan niệm đã rất xa xưa ở buôn làng thì ai không đeo khuyên tai, không mang vòng tẻ tức là đã dám đi ngược với phong tục, là thách thức với thần linh và sẽ bị cộng đồng chê trách, phản ứng; khó cưới được vợ; không được đi ngang hàng với mọi người trong buôn làng và khi chết thì "hồn" không được về với tổ tiên, ông bà ở thế giới bên kia.
Tạo lỗ tai để xâu khuyên phải thực hiện từ khi còn nhỏ và người Mnông thường làm khuyên tai bằng các chất liệu từ gỗ, tre, nứa cho đến chì, đồng, bạc, vàng, ngà voi... tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Những người Mnông giàu có, thường đeo khuyên tai làm bằng ngà voi, mỗi cặp như vậy trị giá bằng cả con trâu mộng hoặc một chiếc ché cổ.
Với người nghèo, khuyên tai để đeo có thể bằng gỗ, bằng tre, bằng nứa hoặc ai đó học sang thì đeo khuyên bằng ngà voi giả làm từ củ sắn phơi khô, trông xa y như ngà thật. Không phân biệt là phụ nữ hay đàn ông, người Mnông chỉ đeo khuyên tai những khi rảnh rỗi, lúc làm việc trong nhà, khi đi ra đường hoặc lúc dự lễ hội của buôn làng, còn hễ đã lên rẫy, vào rừng lao động hay làm việc nặng nhọc thì khuyên tai phải được cất ở nhà...
Ngoài khuyên tai thì chiếc vòng tẻ đeo ở tay bằng bạc hoặc đồng cũng có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, sinh hoạt tâm linh của cộng đồng buôn làng Mnông xưa. Chiếc vòng tẻ khi đeo vào đôi tay sẽ như cầu nối để đấng bề trên ban sức khỏe, niềm vui, sự may mắn cho người đeo.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức của buôn làng luôn coi chiếc vòng tẻ là vật thiêng được trao tặng trong các buổi lễ tế thần linh, cầu thần rừng, thần núi và là kỷ vật vô giá nếu ông bà, cha mẹ truyền lại. Ngoài giá trị tâm linh thì chiếc vòng tẻ còn đóng vai trò như "chiếc vòng cầu hôn", "vòng đính ước" của lứa đôi trai gái Mnông thay cho lời thề nguyền thủy chung, son sắt. Nếu một chàng trai hay một cô gái Mnông mà đã tự mình đeo vào tay người bạn khác giới chiếc vòng tẻ thì coi như họ đã trao tặng cho đối phương cả cuộc đời mình...
Vinh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.