Kì bí cây lộc vừng thiêng giữa ngã ba quốc lộ

Thứ ba, ngày 02/08/2011 06:10 AM (GMT+7)
Không biết độ linh thiêng của cây lộc vừng đến đâu nhưng chú cử hỏi mọi người ở đây, đố ai dám đụng đến cây, dù chỉ là một chiếc lá...
Bình luận 0

Một cây lộc vừng nằm "oai vệ" ngay ngã ba quốc lộ 2b đường đi lên Tam Đảo thuộc địa phận xã Định Chung (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) gây cản trở giao thông trong nhiều năm, nhưng các cơ quan chức năng của địa phương đến nay vẫn "chưa can thiệp".

Cây đã có hàng trăm năm

Khi chúng tôi hỏi người dân ở làng Vẽn (xã Định Chung, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) về nguồn gốc của cây lộc vừng này, chỉ nhận được cái lắc đầu. Có người bảo từ trước khi có làng Vẽn, thì cây lộc vừng này đã cao lớn lắm rồi. Cụ Trần Thị Dậu (80 tuổi) cho biết: "Gia đình tôi sinh sống ở đây đã 6 thế hệ. Tôi chưa có tư liệu chính xác nào về nguồn gốc cây lộc vừng này có từ bao giờ. Ngày nhỏ, bố tôi bảo nó có từ hàng trăm năm trước đây".

img
Cây lộc vừng ở Vĩnh Phúc

Cụ Dậu bảo rằng, trước đây xung quanh khu vực ngã ba này là cánh đồng lúa rộng lớn và là nơi người dân sinh sống. Cây lộc vừng xum xuê tỏa bóng mát cho cả làng, mỗi khi đi làm đồng về. Những nhánh hoa lộc vừng tuôn dài, xõa từ trên cao xuống và phủ quanh thân cây rất đẹp. Nhưng từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 2b đường lên Tam Đảo, toàn bộ khu vực người dân sinh sống ở ngã ba này phải di dời ra khu vực khác để sinh sống.

Cụ Dậu kể rằng: "Khi có lệnh trên tỉnh thông báo về làng phải di chuyển cây lộc vừng đi nơi khác để làm đường, dân làng đã phải họp nhau lại để lấy ý kiến của mọi người trước khi di chuyển cây lộc vừng đi nơi khác. Đa số đều xót xa, không biết cây lộc vừng bị di chuyển đi đâu, mọi người sợ rằng khi chuyển sang nơi khác cây sẽ không sống được. Dù không muốn nhưng cuối cùng mọi người cũng phải chấp nhận việc di dời cây đi nơi khác".

img
Dấu vết của sự chặt cành cây trước đây.

Vào năm 2001, cây lộc vừng chính thức bị "đốn hạ", những người được thuê đào cây, chặt cành cũng phải mất cả ngày trời mới xong, vì tán lá rộng, có nhiều rễ ăn sâu vào lòng đất. Cây đã bị chặt trụi lá, rễ cây cũng được đánh xung quanh và chỉ chờ ngày cho xe đến đưa cây đi trồng ở nơi khác.

Nhưng thật kỳ lạ thay, những người được thuê đánh gốc cây lộc vừng, tối hôm đó trên đường trở về nhà đã bị tử nạn. Cả 4 người đó đều là bố con trong một gia đình. Có thể đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nhiều người nơi đây cho rằng: Do họ đã chặt phá cây, nên họ đã bị thần cây trừng phạt(?). Cũng chính từ những lời đồn thổi đó mà cây lộc vừng này vẫn còn án ngữ ở ngã ba này.

Tai nạn không chết?

Chị Nguyễn Thị Luyến, bán hàng nước 10 năm nay ở ngã ba này cho biết: "Không biết độ linh thiêng của cây lộc vừng đến đâu nhưng chú cử hỏi mọi người ở đây, đố ai dám đụng đến cây, dù chỉ là một chiếc lá. Có cho thêm tiền cũng chẳng ai dại gì mà đụng chạm đến cây lộc vừng".

10 năm bán hàng nước ở khu vực này, chị Luyến đã chứng kiến nhiều điều kỳ lạ mà có lẽ chị còn không dám tin.

img
Theo người dân thì đây là cây lộc vừng không ai muốn "động" đến dù chỉ là ngắt một chiếc lá...

Chị Luyến bảo rằng, mọi người vẫn thường nói vui đây là ngã tư tử thần, thế mà có ai chết đâu. Dù đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra ở nơi đây, nhưng cùng lắm nạn nhân phải vào bệnh viện cấp cứu chứ chưa thấy ai chết cả.

"Đầu năm vừa rồi, hai chiếc xe máy đi ngược chiều nhau, đến ngã ba này đấu đầu nhau, lúc đó tôi và mọi người phán đoán khả năng họ sẽ chết ngay tại chỗ. Khi mọi người chạy ra đỡ họ dậy thì thấy họ chỉ bị thương không nặng lắm. Tôi đã phải “hy sinh” mấy cái áo của mình để băng bó vết thương cho những người bị tai nạn ở đây", chị Luyến kể lại.

img
Hàng ngày, hàng chục lượt khách đến đến miếu bên cây lộc vừng để làm lễ.

Theo quan sát của chúng tôi, hằng ngày có hàng chục lượt khách đến đến miếu bên cây lộc vừng để làm lễ. Tôi hỏi chị Luyến rằng, những người đến miếu thăm hương, khấn bái này ở đâu đến, họ khấn bái làm gì, chị Luyến nói: "Miếu thờ thần cây lộc vừng này linh thiêng lắm nên người ở địa phương đến thắp hương cũng có mà các tỉnh khác cũng đến. Họ cầu khấn cho ăn nên làm ra, tai họa qua đi và nhiều điều may mắn đến với họ và người thân".

Chị Luyến bảo rằng, có người ở trên tận Bắc Giang xuống đây đặt lễ ở miếu này để cầu cho con mình thoát khỏi bệnh điên dại, thần kinh. Một thời gian sau, người phụ nữ đó xuống đây trả lễ, nói rằng người con điên dại của họ đã khỏi bệnh và trở thành người bình thường. Không biết thực hư câu chuyện này thế nào nhưng qua lời kể của người phụ nữ đó, khiến mọi người càng đồn thổi về cây lộc vừng nhiều hơn.

"Năm 2001, tỉnh có kế hoạch nâng cấp con đường quốc lộ 2b. Tỉnh giao cho thành phố có kế hoạch giải phóng mặt bằng và đền bù cho các hộ dân nơi đây. Cây Lộc vừng có từ xa xưa nhưng nằm trong khu vực phải giải tỏa. Trước khi di dời cây, tỉnh cũng đã xin phép dân làng. Sau đó chúng tôi cũng nghe nói có mấy người giao nhiệm vụ chặt lá và đánh gốc cây, trên đường về nhà bị tử nạn. Từ đó không biết vì một lý do gì đó mà tỉnh không dám cho di chuyển cây đi nơi khác nữa. Thấy mọi người đồn thổi là nó linh thiêng lắm".

Ông Sái Ngọc Điểm (phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Định Chung)

"Tôi đã gặp nhiều loại cây linh thiêng như thế, nhiều cây có thật chứ không phải đồn đại. Mỗi vùng quê đều có cây linh thiêng. Ở dưới chân núi Yên Tử có cây khế thần, cành cây mọc nhiều rễ như cây si. Tương truyền đó là nơi vua Trần xuất gia tu hành. Cây lộc vừng được xem là cây thiêng mang lại sự an lành cho mọi người. Cây cũng có linh hồn như con người, khi sống là người, chết đi là thần thánh. Cây lộc vừng sinh sống hàng trăm năm chắc chắn cũng có phải có vị thần nào đó ngự trị. Vì thế, khi ai đó dám chặt phá cây lộc vừng dễ bị các vị thần trừng trị".

GS.TS Nguyễn Trường Tiến (chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam)

Theo Bee

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem