Trung úy phi công chuyên lái máy bay ném bom Mỹ David C. Cox từng bị giam 1 năm rưỡi như tù binh trong Thế chiến 2 tại trại tù Stalag VII-A. Đây là nhà giam giữ tù binh lớn nhất trên đất Đức. Điều kiện sống trong trại hết sức tồi tệ, mặc dù được Hội Chữ thập đỏ cứu trợ thường xuyên nhưng khẩu phẩn ăn đến tay họ rất ít. Những người tù phải chia nhau một ít ỏi súp đã bị ôi thiu cùng những mẩu bánh mì khô cứng. Lực lượng cai tù của trùm phát xít Adolf Hitler cũng đối xử hết sức khắc nghiệt với tù binh.
Chiếc nhẫn quý mà David C. Cox đã đổi lấy sô-cô-la
Đổi nhẫn lấy kẹo xóa đóiTrước thời tiết lạnh buốt và cái đói hành hạ thường trực, chàng phi công Mỹ phải đưa ra một quyết định khó khăn. Anh đã cởi chiếc nhẫn vàng luôn đeo trên tay để chuyển qua hàng rào kẽm gai cho một tù binh người Ý và người này đổi lại cho anh vài thanh sô-cô-la. Đây là chiếc nhẫn kỷ niệm, một món quà được cha mẹ David tặng với dòng chữ khắc tên người con trai ở mặt trong.
Từ lúc “thương vụ” diễn ra, chàng phi công trẻ đinh ninh sẽ không bao giời được nhìn lại chiếc nhẫn quý giá của mình một lần nữa. Nhưng gần 70 năm sau đó, phép mầu đã diễn ra khi chiếc nhẫn đã được trở về với gia đình chủ nhân của nó. Chiếc nhẫn vàng này đã lưu lạc đến tay một người lính Nga trở về từ chiến trận.
Lúc đó người lính này lại đổi chiếc nhẫn lấy một đêm ngủ cùng bữa ăn trong một quán rượu nhỏ tại Serbia, nơi mà gia đình của ông Martin Kiss, hiện tại đã 64 tuổi sở hữu. Bà nội của ông Kiss đã tặng cho cháu mình chiếc nhẫn này khi ông chuyển đến Đức vào năm 1971. Nhiều lúc rất cần tiền nhưng ông Kiss vẫn quyết định không bán chiếc nhẫn và ông nuôi ý định phải trả nhẫn lại cho chính chủ nhân của nó.
Suy đoán rằng chiếc nhẫn có thể đến từ một người lính Mỹ, nhưng ông nhưng vẫn chưa có ý tưởng nào để thực hiện việc truy tìm tung tích người lính này. Ông Kiss thường đeo nhẫn vào ngón tay út của mình nhưng sau đó ông cất nó vào một chiếc chai thủy tinh và đậy nắp kín vì sợ nó sẽ hư hại khi mình làm việc hằng ngày.
Những phi công Mỹ trong Thế chiến 2
Cho đến một ngày cặp đôi người Mỹ - Mark và Mindy Turner - chuyển sang nhà kế bên ông Kiss trong ngôi làng nhỏ Bavarian của bang Hohenberg. Sau vài lần làm quen và mời sang nhà mình ăn tối, ông Kiss nhờ cặp vợ chồng này vốn có hiểu biết về máy tính truy nguồn gốc của chiếc nhẫn trên mạng internet.
Khi về nhà, Mark Turner lập tức lên mạng và chỉ trong vòng 20 phút ông đã tìm thấy một luận án thạc sĩ từ Đại học bang Bắc Carolina năm 2005. Tại trang 219, người viết là Norwood McDowell đã đề cập đến cuốn nhật ký chiến tranh của ông nội vợ là ông David C. Cox, trùng hợp với dòng chữ được khắc trên chiếc nhẫn thất lạc. Và ở trang 179 là những ghi chép về giai thoại mấy thanh sô-cô-la được trao đổi. Thật bất ngờ khi trải qua không biết bao lâu lưu lạc mà chỉ trong vài giây nguồn gốc của chiếc nhẫn đã được nhanh chóng làm sáng tỏ.
”Tôi dường như không thể tin vào sự thật hiển hiện trước mắt mình”, ông Turner nói. Ông liền gửi một bức thư điện tử cho McDowell đính kèm với bức ảnh của chiếc nhẫn và ghi thông tin liên lạc với người con trai của viên phi công cũng có tên David Cox hiện đã 67 tuổi. Khỏi phải nói ông David Cox hạnh phúc đến dường nào khi nhận được bức ảnh McDowell chuyển tiếp.
“Cảm ơn Chúa đã tạo ra phép mầu, chúng tôi rất mừng cho gia đình của bạn”, Mindy Turner đã viết hồi đáp cho gia đình Cox. Sau một vài email trao đổi và điện đàm nói chuyện, chiếc nhẫn đã được chuyển sang Mỹ. Vào tuần trước, khoảng một chục thành viên gia đình và bạn bè đã tụ tập trong phòng khách của Raleigh nhà David C. Cox Jr và nhìn ông mở một bưu kiện nhỏ màu vàng được gửi đến từ Đức.
"Nó đây rồi, thật sự nó đã ở đây rồi, ôi lạy Chúa... Tôi không bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra và cho rằng chiếc nhẫn đã biến mất. Cả gia đình chúng tôi cũng nghĩ rằng nó đã vĩnh viễn mất đi. Đến lúc mất đi, cha tôi vẫn nghĩ rằng không thể nào có lại được kỷ vật này”, ông David C. Cox Jr xúc động nghẹn ngào nói.
Kỷ vật của người chaSau trận chiến Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng tháng 12.1941, ông David C. Cox đã rời ghế giảng đường đại học, nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng không quân. Vào ngày 26.7.1942, ông tốt nghiệp trường đào tạo không quân và cũng trong ngày này ông kết hôn với người yêu thời trung học là cô Hilda Walker.
Để kỷ niệm và chúc mừng ngày vui, hai cụ Irvin và Connie Bell Cox đã tặng cho cậu con trai giữa David C. Cox một chiếc nhẫn vàng có mặt trang trí hình bầu dục được thể hiện hình đôi cánh và cánh quạt như biểu tượng không quân. Mặt trong nhẫn được khắc dòng chữ “Mẹ và cha tặng con David C. Cox Greensboro, NC”, kèm theo đó là các con số “10-4-18-42” cho biết ngày sinh năm sinh và cả năm tặng chiếc nhẫn.
Ông Cox đã được chuyển đến sư đoàn máy bay ném bom 305, phi đội 364 của Không lực Mỹ. Tháng 11, ông tham chiến tại Anh. Nhận nhiệm vụ lái "pháo đài bay" B-17, Cox đã bay hơn một chục phi vụ ném bom trên vùng chiếm đóng ở Pháp và các thành phố trung tâm Đức. Ông đã được trao tặng huy chương anh hùng Distinguished Flying Cross khi điều khiển thành công chiếc máy bay bị bắn cháy cùng phi hành đoàn 10 người trở về nước Anh an toàn trong một phi vụ tấn công vào tháng 5.1943.
Ông Martin và bức ảnh của ông bà nội người Hungary - người đã cho ông chiếc nhẫn
Vào ngày 28.7.1943, máy bay Cox bị bắn rơi ở Kassel, Đức. Ông nhảy dù xuống một khu vườn hoa hồng và bị bắt làm tù binh, thẩm vấn, rồi sau đó chuyển đến Stalag Luft III, trại tù binh chiến tranh nổi tiếng trong bộ phim Cuộc đào thoát vĩ đại (The Great Escape) với diễn viên Steve McQueen. Bị giam tại đây cho đến tháng 1.1945, ông và các sĩ quan đồng minh khác bị ép đi bộ ba ngày trong thời tiết băng giá, sau đó dồn lên xe lửa chuyển đến trại Stalag VII-A gầnMoosburg, phía đông bắc của Munich.
Khi Thế chiến 2 sắp kết thúc, đế chế Hitler trên đường sụp đổ, quân Đức ngày càng dồn nhiều tù binh từ khắp nơi về Moosburg. Thời gian Cox ở trại này là lúc điều kiện giam giữ ngày càng tồi tệ, không tuân thủ theo bất kỳ tiêu chuẩn nào của Công ước Geneva. Cũng tại Moosburg, ông Cox đã phải đổi chiếc nhẫn kỷ niệm để sống sót qua ngày.
Cuối cùng, vào ngày 28.4.1945, Tướng George Patton - chỉ huy sư đoàn 14 thiết giáp - giải phóng trại và Cox đã được thăng chức trung úy rồi quay về trở lại Bắc Carolina. Ở quê nhà ông lao vào kinh doanh cùng anh trai, cô vợ Hilda đẻ cho ông được ba người con. Cox không nói nhiều về thời gian tham chiến và ông rất buồn về chiếc nhẫn bị mất. Sau khi từ chiến trường trở về, một trong những việc đầu tiên mà ông Cox làm là chế tác một bản sao chính xác của chiếc nhẫn quý. Khi ông qua đời năm 1994, chiếc nhẫn được cậu con trai David Jr. lưu giữ.
Cầm chiếc nhẫn chính gốc trên tay, người con trai rất ấn tượng về vẻ đẹp vẫn còn mãi qua thời gian của nó. Còn người con gái Joy Wagnernhìn chiếc nhẫn và nói nó như hình ảnh của người cha mãi hiện hữu tại nơi đây và ước ao phải chi cha mình còn sống để chứng kiến ngày vui bất ngờ này. Ông Kiss cũng tỏ ý nuối tiếc khi ông David C. Cox cùng cha mẹ không còn sống để đón kỷ vật. Ông cũng từ chối việc gia đình Cox muốn hoàn trả phí vận chuyển chiếc nhẫn và xem đây là việc mà ai cũng phải làm.
Minh Long (Thế giới & Hội nhập/ Washington Post) (Minh Long (Thế giới & Hội nhập/ Washington Post))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.