Trước đó, vào dịp sơ kết ngành 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đã đưa ra con số ước tính kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm 2018 sẽ đạt khoảng 40-41 tỉ USD.
Kỉ lục mới của ngành nông nghiệp
Con số kim ngạch xuất khẩu đạt được năm 2018 được xem là kỉ lục mới của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (hiện Việt Nam đang đứng thứ 15 và đã xuất khẩu nông sản các loại sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Đáng chú ý là mặc dù chưa hết năm, nhưng đã có mặt hàng đạt kim ngạch vượt so với cả năm 2017 như cà phê đạt 3,3 tỉ USD (năm 2017 đạt 3,21 tỉ USD).
Cà phê là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng năm thu về hàng tỷ USD. Ảnh: Vũ Sinh, Hoàng Hùng - TTXVN
Kết quả này đạt được trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.
Năm 2018, thị trường thế giới liên tục ghi nhận sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp quan trọng như hồ tiêu, mía đường, cà phê, cao su… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên các khó khăn nhờ duy trì tốt các thị trường và đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam chỉ tính riêng đến hết 11 tháng đầu năm 2018 đã đạt 36,3 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017 (cả năm 2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 36,37 tỉ USD). Đáng chú ý là thặng dư tăng hơn so với năm 2017, đạt 7,5 tỉ USD.
Giá trị xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đầu năm đạt 8,1 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kì. Ảnh minh hoạ: I.T
Trong đó, giá các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như cà phê, điều và cao su mặc dù giảm khá nhiều nhưng nhờ tăng sản lượng xuất khẩu nên nước ta vẫn duy trì được kim ngạch ở mức cao. Ví dụ xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỉ USD; xuất khẩu hạt điều đạt 2,25 tỉ USD; cao su đạt 1,87 tỉ USD...
Đáng chú ý, gạo, cà phê, rau quả, thuỷ sản là những mặt hàng có sự gia tăng cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng đạt 8,1 tỉ USD (tăng 6,8%); rau quả đạt 3,5 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngày càng nhiều rào cản bất lợi
Với những kết quả đạt được trong năm 2018, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 43 tỉ USD.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh việc phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Thực tế cho thấy, dù đang xếp thứ 15 thế giới song lĩnh vực xuất khẩu nông sản của nước ta đang ngày càng phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các đối thủ khác trên thế giới.
Không chỉ khó khăn về giá cả thị trường, nhu cầu khó đoán định, mà các khách hàng lớn, tiềm năng của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Tiêu biểu là thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lí và siết chặt thương mại biên giới.
Mặc dù đạt kỉ lục mới về xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, song các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều điểm yếu khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ảnh minh hoạ: I.T
Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng. Trước đó, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, EU đang áp dụng biện pháp kiểm dịch thông thường đối với trái cây và rau xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam mới chỉ yêu cầu được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và cấp Chứng thư kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất khẩu mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho các quy chuẩn mới của EU.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang là 1 trong 5 khách hàng "ăn" nhiều nông sản, thuỷ sản nhiều nhất của Việt Nam, song nước này cũng tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục chương trình Thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), và hiện đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Kế đến, các thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.
Để hoá giải những rào cản này, các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp cần làm tốt hơn việc phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean..., kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thuỷ sản tại thị trường nước ngoài...
Còn ông Phan Văn Thường, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C thì cho rằng, muốn xuất khẩu nông sản vào EU hay các thị trường nào cũng vậy, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn. Muốn như vậy, các doanh nghiệp và địa phương phải tự xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; cần lấy chất lượng, uy tín làm giá trị cạnh tranh bền vững chứ không nên chạy theo số lượng...
Tin mừng: Trung Quốc mở cửa thêm nhiều loại trái cây Việt Nam
Tại bổi tọa đàm Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc tổ chức ngày 21/12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông báo tin mừng về kết quả đàm phán mở cửa thị trường với Trung Quốc.
Đó là Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa thêm một số loại trái cây Việt Nam sau 8 loại quả đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch (thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, vải, mít, chuối, chôm chôm).
Cụ thể, thứ tự ưu tiên các loại củ quả sắp được phía Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch là sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Trong đó, sầu riêng là loại quả được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nên sẽ ưu tiên mở cửa trước.
Sầu riêng miền Tây hiện đang tăng giá trở lại sau vài tuần giảm mạnh, hiện đạt 65.000-70.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T
Trung Quốc cũng chấp thuận cho 13 DN Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang nước này và bổ sung cá ngừ, cá rô phi vào danh mục nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, tránh ùn tắc, Trung Quốc đã đồng ý mở thêm chức năng xuất khẩu thủy sản ở các cửa khẩu do hai nước chỉ định.
Cũng theo Thứ trưởng Nam, phía Trung Quốc dự định thực thi quy định buộc các lô hàng nông sản nhập khẩu phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng từ tháng 12/2018 nhưng Việt Nam đã đàm phán lùi thời hạn đến tháng 6/2019 để các DN có thời gian thích ứng. .
|
5 thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam
Chỉ ra một số nét nổi bật của xuất khẩu nông sản năm nay, Bộ NN&PTNT cho biết: Thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng, 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%).
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, trong đó có: gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.