Kịch Lưu Quang Vũ gần gũi như chính cuộc đời

Thiên Việt (thực hiện) Thứ hai, ngày 25/08/2014 07:03 AM (GMT+7)
Kỷ niệm 26 năm ngày mất của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Nhớ anh” sẽ khai mạc tại Hà Nội vào ngày 28.8. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Ngô Thế Oanh - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, về kịch Lưu Quang Vũ. 
Bình luận 0

Hơn 30 năm qua kịch của Lưu Quang Vũ vẫn có sức hút với khán giả, những vở diễn của ông khi được dựng lại gần đây vẫn tạo nên hiện tượng của sân khấu. Ông lý giải thế nào về sức sống của những vở kịch đó?

- Một nghệ sĩ khi sáng tác một tác phẩm ở bất kỳ thời đại nào cũng phải có điều kiện cần: Tác phẩm phải đáp ứng được những nhu cầu của thời đại, của công chúng và nghệ sĩ phải là người có tài. Lưu Quang Vũ là nghệ sĩ đã thỏa mãn được những điều kiện đó.

Vào những năm 1980 sân khấu Việt Nam đã tạo nên sức cuốn hút nổi bật với những vở kịch của Lưu Quang Vũ. Nhiều đoàn kịch trong cả nước đã về Hà Nội “ăn chực nằm chờ” để xin kịch bản. Trong thời gian này Lưu Quang Vũ đã sáng tác đến 50 vở kịch và tạo nên một hiện tượng thật đặc biệt.

Kịch của Lưu Quang Vũ đã đặt ra những vấn đề sâu sắc của xã hội đương thời, nhận thức lại những giá trị mới, những nhu cầu mà thời đại đang đặt ra. Lưu Quang Vũ chính là người viết kịch đã cảm nhận được nhu cầu của xã hội, của thời đại và đã biến nó thành những tác phẩm tiêu biểu cho sân khấu Việt Nam thời kỳ đổi mới. Bản thân khán giả cũng rất khát khao nhu cầu đó. Cho nên kịch của ông đã đáp ứng được khát vọng của công chúng đúng thời điểm. Nói như người xưa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Vậy yếu tố gì đã tạo nên tài năng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?

- Bản thân Lưu Quang Vũ sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về sân khấu. Thân sinh ông là nhà thơ Lưu Quang Thuận cũng là một nhà hoạt động sân khấu tâm huyết. Được thừa hưởng truyền thống của gia đình như vậy nên tài năng của Vũ có điều kiện phát triển. Nhân vật trong kịch của ông thường có những cuộc đời, số phận cụ thể, có xương có thịt và những lời đối thoại rất tự nhiên, gần gũi như chính cuộc đời…

Chúng ta biết một phần tạo nên sự sâu sắc, sinh động trong kịch của ông là do cuộc đời của Lưu Quang Vũ những năm đó có nhiều thăng trầm. Có thể nói rất thăng trầm, nhà văn Đỗ Chu hiểu và từng chia sẻ những điều này. Nó giúp ông đã đồng cảm sâu sắc đến số phận của nhân vật và tạo ra những biện chứng tâm lý tiêu biểu.

Vốn là một nhà thơ tài hoa, hẳn kịch của Lưu Quang Vũ có mang nhiều âm hưởng của thơ?



Nhà thơ Ngô Thế Oanh
  Nhiều vở kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đặt ra những vấn đề mang tính triết luận sâu sắc, là những vấn đề lâu dài của tâm hồn con người, không phải chỉ riêng của mỗi chúng ta mà của cả nhân loại”.  
- Vốn là nhà thơ tài năng nên chất thơ, chất trữ tình trong kịch của Lưu Quang Vũ có thể nói rất đậm. Thơ và kịch đã thâm nhập vào nhau trong kịch của Lưu Quang Vũ, cho nên kịch của ông tuy bấy giờ nổi bật là hiện thực phê phán nhưng vẫn giàu chất lãng mạn và gần gũi được với tâm hồn con người. Nhiều vở kịch của lưu Quang Vũ có tên như là thơ: “Lời thề thứ chín”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”; “Mùa hạ cuối cùng”; “Sống mãi tuổi 17”, “Nếu anh không đốt lửa”…

Những vấn đề sâu sắc nào của đời sống xã hội đã được đặt ra trong kịch của Lưu Quang Vũ khiến nó tạo nên một sự cộng hưởng trong khán giả, thưa ông?

- Vốn là người có kiến thức rộng, chịu khó tìm tòi học hỏi nên kịch của Lưu Quang Vũ có được ảnh hưởng của các kịch tác giả lớn như Sếch-xpia, Ipsxen, Sê-khốp… cùng với chất dân gian truyền thống của văn hóa Việt. Bởi vậy nội dung nhiều vở kịch ông đặt ra thường mang tính triết luận sâu sắc, là những vấn đề lâu dài của tâm hồn con người, không phải chỉ riêng của mỗi chúng ta mà của cả nhân loại. “Hồn Trương Ba da hàng thịt” từ một cốt truyện dân gian đã được tác giả thể hiện thành một ý tưởng sâu sắc và mới mẻ hơn với nhiều tính hiện đại. Ở đây ta gặp những vấn đề về bản thể.

Có ý kiến cho rằng cách dàn dựng những vở kịch của Lưu Quang Vũ trước đây có sức hấp dẫn hơn hiện nay, và muốn hấp dẫn khán giả hiện đại thì các đạo diễn phải tìm ra một lối đi mới?

- Cách đây hơn 30 năm, đó là thời kỳ đỉnh cao của sân khấu Việt Nam. Nghệ thuật sân khấu tác động vào đời sống rất mạnh. Kịch của Lưu Quang Vũ ra đời đúng thời điểm này nên được đón nhận nồng nhiệt nhất. Đây chính là thời kỳ hoàng kim của sân khấu hiện đại. Lúc đó chúng ta có những đạo diễn bậc thầy như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang… và một dàn các diễn viên tài năng: Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Minh Trang… Hiện tại không khí đó có phần giảm sút, sân khấu đang thiếu một niềm cảm hứng lớn để phát triển.

Tuy nhiên theo tôi đó cũng là biện chứng tất nhiên của thời đại. Hơn nữa chúng ta biết bây giờ có quá nhiều phương tiện nghe nhìn để giải trí nên việc thu hút công chúng đến nhà hát xem kịch không phải là điều dễ dàng. Bởi vậy, những người hoạt động sân khấu sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cuốn hút khán giả.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem