Phạm Thị Thành - Lưu Quang Vũ: Kể chuyện 10 năm song hành đạo diễn - viết kịch

Thứ ba, ngày 17/09/2013 13:45 PM (GMT+7)
Nữ đạo diễn vốn hiếm, đạo diễn sân khấu càng ít. Nhưng người đầu tiên đưa kịch bản của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), dựng nhiều vở nhất từ kịch bản của ông, chính là nữ NSND Phạm Thị Thành.
Bình luận 0
Tại Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ (9-16.9.2013) sau 25 năm ông qua đời, NSND Phạm Thị Thành không dựng vở nào. Bà là một trong số cực ít nghệ sĩ lớn tuổi rất chăm xem các chương trình, sự kiện nghệ thuật. Dịp này, bà vẫn đồng hành cùng nhà viết kịch, dù hai người đã ở hai thế giới, trong vai trò thành viên Hội đồng giám khảo Liên hoan này.

Đạo diễn Phạm Thị Thành và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Đạo diễn Phạm Thị Thành và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Trước dịp khai mạc Liên hoan, tôi gặp bà sau buổi diễn vở Lời thề thứ 9 tối 25.8, tại sảnh lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Ở đó, Nhà hát Tuổi trẻ bày hai hàng pano thu nhỏ từ pano các vở diễn mà NH đã dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ, đa số đều do Phạm Thị Thành đạo diễn.

Bà nói: "Tôi là đạo diễn dựng kịch bản Lưu Quang Vũ nhiều nhất và có những kỷ niệm quý báu với anh, đồng nghiệp tài năng hiếm có, một người bạn thân thiết". Theo đề nghị của tôi, đạo diễn Phạm Thị Thành đã ghi biên mục. Tổng cộng 25 vở bà dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ cho các đoàn nghệ thuật ba miền - con số kỷ lục đánh dấu thời hoàng kim của Sân khấu Việt Nam cũng là thời sung sức của TS Phạm Thị Thành. Con số ấy, sau 25 năm, chưa hề bị phá vỡ.

Dịp Liên hoan vừa qua, có 9 đoàn tham gia dựng 13 vở, sát nút thì Đoàn Chèo Hải Phòng rút vở Ông vua hóa hổ (đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ - Lại Đình Ngọc) dành dự Liên hoan Chèo toàn quốc. Vở này, Phạm Thị Thành đã dựng cho Đoàn này từ 1986 và có những ngày vất vả tập luyện được tác giả chia sẻ đầy trách nhiệm. Trừ Ngọc Hân công chúa của Nhà hát Chèo Hà Nội, hầu hết các vở của LH vừa qua, Phạm Thị Thành từng dựng cho các đoàn hơn 20 năm trước.

Ngày 27.5.2012, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, NSND Phạm Thị Thành nhận giải thưởng Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao, trở thành người phụ nữ đầu tiên của SKVN được giải thưởng cao quý này. Trong 5 vở mà bà được giải, thì 2 là của Lưu Quang Vũ: Sống mãi tuổi 17, Người tốt nhà số 5 (Huy chương Vàng Hội diễn 1980, 1985).

Du học đạo diễn sân khấu tại Mátxcơva về nước năm 1977, Phạm Thị Thành cùng đạo diễn Hà Nhân thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ (1978) và tuyển sinh đào tạo lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát.

Hơn 40 học viên, giờ trụ lại có 10 người. "Năm 1979, cần kịch bản mà nhân vật chính là thanh niên ưu tú, để dựng vở dùng chính lực lượng diễn viên mà nhà hát đã có và đang đào tạo kịch bản Ông nhỏ của vị cán bộ lão thành Đào Duy Kỳ nhiều tư liệu, nhưng không có nghệ thuật và tính kịch. Tôi nghĩ tên khác, muốn tinh thần khác để làm một vở trẻ trung. Biết Lưu Quang Vũ là nhà thơ có tài, lại là con nhà nòi (cha là tác giả Lưu Quang Thuận), tôi đến 51 Trần Hưng Đạo. Lưu Quang Vũ khi ấy là biên tập viên tạp chí Sân khấu, chưa viết vở nào cho sân khấu chuyên nghiệp. Vũ nhận lời, hẹn 20 ngày" - bà Phạm Thị Thành kể lại.

Chưa đến 20 ngày, Lưu Quang Vũ đã đọc cho Phạm Thị Thành kịch bản. Quá bất ngờ khi Ông Nhỏ đã được cấu trúc lại, bồi đắp thêm, thành Sống mãi tuổi 17 hấp dẫn. Mọi góp ý, yêu cầu chỉnh sửa của đạo diễn được Lưu Quang Vũ tiếp thu, làm nhanh và hay. Vở dựng cuối năm 1979, dự thi Đại hội diễn sân khấu toàn quốc đợi, ra mắt khán giả Thủ đô đúng dịp 3.2.1980, kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vở đề tên tác giả Đào Duy Kỳ - Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành.

Nghệ sĩ Đặng Dũng (kịch câm) đạo diễn hình thể, âm nhạc: Khắc Văn (anh trai violinist Khắc Huề), thiết kế mỹ thuật: Đỗ Doãn Châu. Chuyện bắt đầu từ một CLB thiếu nhi ở thành phố hăng say tập múa, hát, nặn tượng Lý Tự Trọng. Các em lo nặn tượng không đạt vì biết quá ít về người anh hùng này. CLB mời bác Phương (NSND Song Kim đóng) - đồng chí, bạn gái trước kia cùng hoạt động với anh, đến kể chuyện cho các cháu. Vở diễn hay còn nhờ hội tụ nhiều diễn viên có nghề.

Đó là Lê Hùng (đã tốt nghiệp diễn viên trường Sân khấu VN) vai Lý Tự Trọng, Tú Mai (vai Phương lúc trẻ), NSƯT Đức Trung vừa đóng vai thủy thủ Algérie vừa là trợ lý đạo diễn, và các nghệ sĩ tên tuổi. Thùy Chi (má Hai), Tuệ Minh (chị Chín Cưỡng), Lê Chức (Thiết, cán bộ Đảng) vở thành công lớn, nhận HCV cho vở và 4 HCV cá nhân, trong đó của Phạm Thị Thành và Lê Hùng.

Thành công lớn của lần hợp tác đầu tiên, tạo đà cho Lưu Quang Vũ vào con đường viết kịch chuyên nghiệp. Từ căn gác nhà 96 phố Huế, ông và con trai Lưu Minh Vũ thường đi bộ qua rạp Tuổi trẻ, khi ấy là mấy dãy nhà cấp 4, mỗi khi dựng vở. Sân khấu là Thánh đường, dù sân khấu thiếu thốn thiết bị, ánh sáng nghèo nàn, song cả người làm sân khấu lẫn khán giả đều quý và nhiệt tình với "vai" của mình. Ai cũng hăng say, trách nhiệm. Đạo diễn Phạm Thị Thành đặt tiếp và Lưu Quang Vũ viết ngay Mùa Hạ cuối cùng, vở ra mắt 1981.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đứng giữa cùng ĐD Phạm Thị Thành (đeo kính) tại Cung Việt Xô sau vở Ông vua hóa hổ.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đứng giữa cùng ĐD Phạm Thị Thành (đeo kính) tại Cung Việt Xô sau vở Ông vua hóa hổ.

Từ buổi đầu đến khi là tác giả ăn khách, viết không xuể đặt hàng, cao điểm viết 4 vở một lúc, Lưu Quang Vũ luôn trách nhiệm với những đứa con tinh thần. Bận tối mắt, thức đêm triền miên, song lúc sơ duyệt, tổng duyệt, chưa kể lúc đang tập, cần góp ý, chỉnh sửa tại chỗ, ông đều có mặt. Ở Hà Nội đã đành, đi các tỉnh ông cũng không quản ngại. Lưu Quang Vũ trân trọng và quan tâm đến đạo diễn Phạm Thị Thành, có lẽ vì quý nể đạo diễn đàn chị cùng thời đã tin tưởng từ ngày đầu và gắn bó 10 năm đỉnh cao sáng tạo.

Bộ ba: Lưu Quang Vũ (tác giả) - Phạm Thị Thành (đạo diễn) - Đỗ Doãn Châu (họa sĩ) là ê - kíp ăn ý rong ruổi cùng nhau làm nhiều vở thành công. Họ vẫn là bộ ba ngay cả sau khi Lưu Quang Vũ ra đi. Trong 25 vở mà Phạm Thị Thành đạo diễn từ kịch bản Lưu Quang Vũ, có vở cùng dựng cho nhiều đoàn: Nếu anh không đốt lửa (Nhà hát Kịch VN 1986, Đoàn Kịch Nghệ Tĩnh), Ông vua hóa hổ (Đoàn Chèo Hải Phòng 1987, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh 1987, Đoàn Chèo Hà Tuyên 1988).

Riêng Trái tim trong trắng (Đoàn Chèo Hà Nam Ninh, Kịch IDECAF 1998) còn có tên 2.000 ngày oan trái (Đoàn Cải lương Thanh Hóa, HCV 1990) và Vụ án 2.000 ngày (Đoàn Cải lương Sông Hàn Đà Nẵng). Đạo diễn Phạm Thị Thành vẫn giữ lá thư viết tay ngày 3.1.1987 của Lưu Quang Vũ, ông viết tại Đoàn chèo Hải Phòng khi xuống xem Phạm Thị Thành dựng vở Ông vua hóa hổ. Lá thư gửi nhạc sĩ Thanh Bình lúc đó ở Thái Bình, nhờ sang Hải Phòng gấp, chỉnh sửa phần nhạc cho vở.

Lẽ ra Vũ phải về Hà Nội đúng hôm ấy, nhưng vì muốn vở được hoàn chỉnh về bài hát và âm nhạc mà ông đã viết lá thư 1 trang rất tha thiết, gửi nhạc sĩ: "Rất rất mong anh! Mong kéo được anh sang như cô Thảo mong kéo được như Nguyễn Minh Không ra khỏi rừng. Anh cố gắng sang ngày mai anh nhé. Ông "Nguyễn Minh Không" hãy bỏ chút thì giờ cứu bạn, cứu đời! "Đọc xong thư ấy, nhạc sĩ Thanh Bình tức tốc sang ngay, sao mà nỡ chậm! Vở diễn thành công, cháy vé.

Lá thư Lưu Quang Vũ viết 3/1/1987 tại HP
Lá thư Lưu Quang Vũ viết 3.1.1987 tại HP

Đoàn Chèo Hải Phòng mời đạo diễn Phạm Thị Thành dựng tiếp vở Muối mặn đời em, cũng từ kịch bản Lưu Quang Vũ. Hồi ấy, vở của Lưu Quang Vũ thường được coi là gai góc, phê phán thẳng thừng. Ông vua hóa hổ của Lưu Quang Vũ tổng duyệt, ông Trần Độ (Thứ trưởng Bộ Văn hóa), đạo diễn Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi cùng xuống Hải Phòng xem duyệt. Khi Đoàn Chèo Hải Phòng đưa vở Ông vua hóa hổ diễn tại Cung Việt Xô tối mùng 8.10.1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến xem.

Vở Nếu anh không đốt lửa, đề cập đến sự sai lầm trong khâu dùng người của thời bao cấp, qua trường hợp một ủy viên trung ương Đảng bị đối xử kém, có công ở thủ đô lại bị điều về tỉnh lẻ (lấy nguyên mẫu từ đồng chí Nguyễn Văn Linh bị điều về Hải Phòng). Ngày Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vở này tại Cung Việt Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lại đến. Tác giả và đạo diễn hồi hộp, "trốn" lên tầng 2 chỗ dàn đèn chiếu, "theo dõi" nét mặt Tổng Bí thư. Ông xem chăm chú và cho trợ lý đi tìm cặp tác giả - đạo diễn, nhắn họ cuối giờ lên sân khấu. Hết vở diễn, trong tiếng vỗ tay vang dội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lên tặng hoa, bắt tay Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành.

Năm 1985, vở Người tốt nhà số 5 đi dự Hội diễn ở Vinh, đạo diễn và tác giả cùng đi. Đoàn Chèo Hà Sơn Bình dự thi với tâm trạng nhiều áp lực, bị dư luận chụp mũ "nói xấu xã hội". Chuyện về nhà số 5, một số nhà gồm nhiều hộ, chỉ có 1 hộ người tốt sống "lạc lõng" giữa những kẻ láu cá, tham lam, ích kỷ. Bực mình, Phạm Thị Thành và Lưu Quang Vũ bỏ về Hà Nội. Khi trao giải vở đoạt HCV, không có mặt hai người, Ban tổ chức phải đem giải về Hà Nội đưa sau.

Nhớ đêm 31.1.1980, vở Sống mãi tuổi 17 diễn ở Nhà hát Lớn thành công, tác giả Lưu Quang Thuận gặp Phạm Thị Thành cảm ơn: "Thành là gạch nối cho hai thế hệ cha con tôi". Gạch nối ấy, vẫn tiếp tục cùng Đỗ Doãn Châu đi dựng vở Trái tim trong trắng cho Đoàn Chèo Hà Nam Ninh, ngày 12.9.1988, rồi cuối tháng 10 năm ấy lại lên Tuyên Quang làm Ông vua hóa hổ, vở mà Lưu Quang Vũ nhận lời lúc sinh thời. Tháng 11 lại tiếp tục 2.000 ngày oan trái cho Đoàn Cải lương Phương Đông Hải Phòng.

Mất bạn, Phạm Thị Thành vẫn gắng gỏi kiên cường dựng tốt các vở bạn viết, mỗi tối tập lại thắp hương, có khi vừa chỉ đạo vừa khóc.

Bà đã viết bài "25/10! Không phai mờ ký ức", nhân Liên hoan các vở diễn Lưu Quang Vũ. Đấy là số vở bà đã dựng và tình bạn 10 năm trở thành mãi mãi của hai người.

(Tư liệu do NSND Phạm Thị Thành cung cấp).
Vi Thuỳ Linh (Vi Thuỳ Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem