Hơn 20 vở diễn mới đang chạy nước rút trên sàn tập để kịp phục vụ khán giả trong dịp Tết sắp tới. Năm nay, tiếng cười được khai thác tối đa ở đủ góc độ: Cười pha kinh dị, hài hước kết hợp với một chút sợ hãi, cười châm biếm… Tất cả tạo nên “bữa tiệc” đầy màu sắc để khán giả chọn lựa.
Hài châm biếm “lên ngôi”
Nếu năm trước, chính kịch bứt phá vào dịp Tết với nhiều vở được dàn dựng mới thì năm nay, những vở hài kịch có tính chất châm biếm lại “lên ngôi”. Vừa định cư tại Nhà Văn hóa Sinh viên (649 Điện Biên Phủ, quận 10, TP HCM), sân khấu Nụ Cười Mới dựng ngay 3 vở đậm chất hài hước gồm: Bộ tứ “xì-tin” (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Văn Long), Vị khách đầu năm (tác giả: Phi Nga, đạo diễn: Văn Long) và Ơn trời! Em đây rồi (tác giả, đạo diễn: Bùi Quốc Bảo). Nội dung các vở nhằm đả phá những thói hư tật xấu trong xã hội hiện đại; đề cao lối sống đạo đức, lương thiện thông qua tình huống hài hước. Nghệ sĩ hài Hoài Linh nhận xét: “Tết năm nay đến trễ nên chúng tôi có thời gian chuẩn bị vở mới. Hơn nữa, khi dọn về điểm diễn mới, chúng tôi chịu nhiều áp lực, đòi hỏi việc đầu tư kịch bản kịch Tết nghiêm túc. Nụ Cười Mới vẫn theo thể loại hài châm biếm nhưng các vai diễn đều có số phận và tạo nhiều đất diễn cho diễn viên trẻ”.
Các diễn viên Huỳnh Trâm và Huỳnh Quý trong vở "Cướp dâu"
Cũng với tiêu chí hài châm biếm, ngày Xuân mang đến tiếng cười đầy ý nghĩa, Sân khấu Kịch IDECAF đầu tư 6 vở: Cần có ai đó để yêu thương (tác giả, đạo diễn: Hùng Lâm), Ngũ quý kỳ phùng (tác giả: Hương Giang, đạo diễn: Tuấn Khôi), Sơn ca không hót (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Vũ Minh, đạo diễn: Vũ Minh), Ai là tỉ phú (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc), Tình yêu không thiên đường (tác giả: Binh Hùng - Thanh Hương, đạo diễn: Binh Hùng) và Cướp dâu (tác giả: Mỹ Dung, đạo diễn: Vũ Minh).
Ở vở Cướp dâu, tác giả Mỹ Dung thông qua thủ pháp hài để nêu bật thông điệp: Lòng kiên định của con người sẽ chiến thắng hủ tục, tập quán lạc hậu. Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương) chia sẻ: “Ngày Tết khó dựng bi kịch nên phải hài hước hóa các kịch bản này để mang đến niềm vui cho khán giả. Tuy nhiên, nội dung kịch không vì thế mà kém đi phần sâu sắc. Các đạo diễn đã lồng vào đó nội dung sâu sắc, gần gũi đời sống ngày nay”.
Kinh dị pha hài
Song song với hài, các đề tài ma quái, trinh thám, kinh dị vẫn thu hút khán giả nên tiếp tục được nhiều sân khấu kịch chọn lựa, tạo sự phong phú cho lịch diễn của mình. Nhưng ngày Xuân không thể chỉ có sự sợ hãi như bình thường mà cần nhiều tiếng cười để xua bớt nặng nề, u ám. Vì thế, các sân khấu kịch chọn mảng kinh dị pha hài hước để khai thác. Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM có 2 vở kinh dị pha hài diễn trong dịp Tết này là Đêm vượn hú (tác giả: Xuyên Lâm, đạo diễn: Chánh Trực) và Phía sau tội ác (tác giả: Chí Trung - Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực). Cả 2 vở nói về luật nhân quả - thiện ác trong cuộc sống.
Sân khấu Kịch Sài Gòn có 3 vở kinh dị pha hài gồm: Cuộc gọi từ âm ty (tác giả: Xuân Giang, đạo diễn: Tấn Hoàng), Quỷ ám (tác giả: Mai Trần Vũ, đạo diễn: Mai Trần) và Gái ám (tác giả: Đăng Minh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Sân khấu Kịch Tâm Ngọc có các vở: Ngã rẽ tử thần, Ám ảnh trong ngôi nhà (tác giả và đạo diễn: Tâm Ngọc), Cõi u mê (tác giả: Tâm Ngọc, đạo diễn: Hoàng Duẩn). Vở Cõi u mê có nội dung sâu sắc, đề cập thực trạng xã hội ngày nay không ít người đi lạc trong tiền bạc, danh vọng, nhục dục… để rồi khi họ tỉnh lại, mọi chuyện đã không thể sửa chữa hay bù đắp được.
Năm trước, Sân khấu Kịch Phú Nhuận và Superbowl chủ yếu diễn kịch kinh dị pha hài nhưng năm nay đã có sự đổi khác. Bà “bầu” Hồng Vân chỉ dựng 2 vở kinh dị là Tầng 13 (đạo diễn Xuân Trang), Kẻ thực thi lời nguyền (đạo diễn: Diệp Tiên); còn lại là các vở: Bóng hồng sa mạc (tác giả: Đinh Mạnh Phúc, đạo diễn: NSND Hồng Vân), Kim sinh thủy (tác giả kiêm đạo diễn Lê Quốc Nam)… thuộc thể loại hài hước nhẹ nhàng. Nhà hát Thế Giới Trẻ chọn dựng những vở hài hước vui nhộn qua 2 tác phẩm: Đại chiến mỹ nam (tác giả: Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) và Khát khao của chàng (tác giả, đạo diễn: Cao Tấn Lộc).
Ngày Tết, tiếng cười được chú trọng nhưng đa phần các sân khấu kịch đều ý thức được việc nâng chất tiếng cười bằng nội dung kịch sâu sắc, nhân vật có số phận chứ không phải cười thô...
Sâu lắng với kịch tâm lý
Tết này, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh - chuyên dựng những tác phẩm theo chủ đề tâm lý, xã hội và đậm chất văn học - cống hiến cho khán giả vở: Nửa đời hương phấn (tác giả: Hà Triều - Hoa Phượng, chuyển thể kịch: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) và Tình như trang giấy trắng (tác giả, đạo diễn: Bùi Quốc Bảo). Đạo diễn Ái Như bộc bạch: “Mùng 1 Tết năm nay cũng là ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh. Kịch mục Tết được chúng tôi chuẩn bị cách đây nửa năm, dù có sự bị động khi phải dọn về điểm diễn mới nhưng tôi tin rằng khán giả sẽ hài lòng với các vở diễn của chúng tôi”.
(Theo Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.