Kiếm hiệp Kim Dung: Nguyễn Ngọc Mạnh - Vô Kỵ giữa đời thường!

Chính Minh Thứ hai, ngày 01/03/2021 18:32 PM (GMT+7)
Chuyện Trương Vô Kỵ cứu cao thủ võ lâm "rơi" từ tòa tháp Vạn An trong kiếm hiệp Kim Dung đã xuất hiện giữa đời thường qua hình ảnh người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh.
Bình luận 0

Nguyễn Ngọc Mạnh – người hùng giữa đời thường

Độc giả kiếm hiệp Kim Dung từ xưa đến nay thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt giới tính đều tìm thấy câu chuyện cuộc đời của chính mình trong "Xạ điêu anh hùng truyện", "Thần điêu hiệp lữ", "Ỷ thiên đồ long ký", "Thiên Long Bát Bộ", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Lộc Đỉnh Ký"…

Họ tìm thấy hình ảnh những "người hùng vô danh", hành hiệp trượng nghĩa, xóa bỏ những bất công xuất hiện nhan nhản trong những "ngõ ngách", mà đôi khi pháp luật chưa chạm tới được.

Kiếm hiệp Kim Dung: Nguyễn Ngọc Mạnh - Trương Vô Kỵ  giữa đời thường! - Ảnh 1.

Diễn viên Ngô Khải Hoa tạo hình Trương Vô Kỵ trong phim "Ỷ thiên đồ long ký" 2001.

Với Dương Quá, Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ… những người "thân cô thế cô" tìm được sự an ủi, sẻ chia, tin tưởng chính nghĩa luôn tồn tại, và họ sẽ được giúp đỡ, cứu giúp đỡ trong thời điểm nào đó của cuộc đời.

Đọc kiếm hiệp Kim Dung, chẳng ai tin (và cũng nên thế) những chiêu thế chưởng pháp, nội lực võ công là có thật. 

Và thực tế, Kim Dũng cũng chỉ mượn võ để nói chuyện đời mà thôi. Ví như cặp "Uyên ương đao" mà cả giang hồ mất công tìm kiếm tưởng như bảo vật, bí kíp võ công gì gì đó, cuối cùng chỉ là một cặp đao rất… bình thường.

Nhưng qua đó, Kim Dung đã khéo lồng vào tư tưởng "Nhân giả vô địch" (người có nhân đức là người vô địch hay võ công cao nhất chính là những phẩm chất NGƯỜI) – chữ được khắc cẩn thận trên cặp "Uyên ương đao".

Và chiều 28/2 vừa qua, những ngày đầu  năm mới, chúng ta đã được chứng kiến anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi ở Đông Anh – Hà Nội) thi triển võ công "Nhân giả vô địch".

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh khiêm tốn chia sẻ cùng Dân Việt: "Ai ở vào tình huống ấy cũng sẽ làm như tôi".

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ cùng Dân Việt: "Trong tình huống đó ai cũng sẽ làm như tôi".

Chỉ có tình người, lòng yêu thương trẻ nhỏ vô bờ từ trong sâu thẳm, coi em nhỏ đang treo lơ lửng trên tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) như con cháu mình, anh mới có thể sử dụng tuyệt đỉnh khinh công chạy nhanh hơn gió cùng thân pháp điêu luyện "bay" lên mái tôn che nhà xe khu chung cư để dùng bàn tay vốn ngày thường chỉ quen cầm vô-lăng (anh Mạnh làm nghề lái xe tải) đón em bé rơi tự do ở khoảng 30-40m xuống.

Tôi nói, nếu Kim Dung tái sinh, biết đâu ông có thể viết thêm một bộ "Nguyễn Ngọc Mạnh giữa đời tôi", như cách cố nhà báo Vũ Đức Sao Biển – người rất mê Kim Dung khi dồn hết tâm huyết viết cuốn khảo luận văn học "Kim Dung giữa đời tôi".

Nguyễn Ngọc Mạnh còn siêu hơn Trương Vô Kỵ

Thật trùng hợp, điều kỳ diệu, một nốt nhạc vô cùng tuyệt vời mà người lái xe Nguyễn Ngọc Mạnh làm trong chiều 28/2 đã làm những ai mê kiếm hiệp Kim Dung lập tức liên tưởng đến hồi 27 "Tháp cao trăm thước mong có cánh" trong bộ 8 tập "Ỷ thiên đồ long ký".

Câu chuyện được Kim Dung mô tả, với thiện tâm của mình, Trương Vô Kỵ đã dốc hết nội lực "Càn khôn đại na di" cứu các cao thủ hắc-bạch "rơi" từ trên tòa tháp chùa Vạn An vốn đang bốc cháy xuống đất an toàn.

Tại sao nói Nguyễn Ngọc Mạnh còn siêu hơn Trương Vô Kỵ? Đơn giản trong kiếm hiệp Kim Dung, các nhân vật đều thuộc hàng cao thủ, có võ công, khinh công bậc nhất, có thể lựa đà, điểm rơi chính xác để Trương Vô Kỵ đón.

Còn cháu bé trong câu chuyện có thật mới diễn ra chiều qua hoàn toàn rơi tự do và "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh phải suy nghĩ, tính toán cực nhanh trong đầu, hành động vô cùng nhanh, quyết đoán theo cách của Bắc Kiều Phong thì mới có thể phát huy hết nội công "Nhân giả vô địch".

Mới nói, những điều tưởng như không thể luôn có thể xuất hiện quanh ta. Vẻ đẹp vĩ đại, những câu chuyện thần kỳ nhiều khi lại được "vẽ" lên bởi những người hùng vô danh, những con người bình dị vốn ngày thường chỉ biết mưu sinh qua những công việc rất bình thường.

Kiếm hiệp Kim Dung: Nguyễn Ngọc Mạnh - Vô Kỵ  giữa đời thường! - Ảnh 4.

Tạo hình Trương Vô Kỵ (diễn viên Đặng Siêu) và Triệu Mẫn (An Dĩ Hiên) trong Ỷ thiên đồ long ký 2009.

Vậy thì, những nhân vật trong kiếm hiệp Kim Dung vẫn có thật đấy chứ, họ ở quanh ta thôi. Họ sẽ "xuất chiêu" ở thời điểm phù hợp, khi cần họ sẽ ra tay hiệp nghĩa mà chẳng cần có sự chuẩn bị nào cả.

Tất cả là sự tích lũy qua năm tháng của một con người và tự nhiên, rất tự nhiên nó sẽ phát lộ trong một khoảnh khắc nào đó!

Phải chăng với ý nghĩa ấy, khi kết thúc "Ỷ thiên đồ long ký", Kim Dung để Trương Vô Kỵ "nhường" ngôi vua cho Chu Nguyên Chương mở ra nhà Minh và cùng Triệu Mẫn tiêu dao giang hồ sống cuộc đời bình dị, một đời chỉ "ngày ngày vẽ lông mày cho nàng".

Và Kim Dung cũng đã "viết thêm", đưa ra quan điểm cá nhân về Trương Vô Kỵ - một nhân vật kiếm hiệp mà ông khẳng định: "giống với mọi con người bình thường nhất" mà ông từng khắc họa.

Chi tiết trùng hợp tham khảo thêm là cách đây hơn 3 năm, cuối năm 2017, tòa tháp Cửu Linh Lung bất ngờ bốc cháy. Đây là tòa tháp gỗ đạt kỷ lục cao nhất Châu Á đã có hơn 500 tuổi, cao 16 tầng, được xây vào đời Minh, đặt tại Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Cửu Linh Lung bên cạnh là một công trình kiến trúc cổ độc đáo còn là biểu tượng văn hóa đối với nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người yêu thích các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Cụ thể, tòa tháp Vạn An Tự - nơi Triệu Mẫn bắt nhốt các cao thủ lục đại môn phái trong "Ỷ thiên đồ long ký" được quay bằng mô hình phỏng theo tòa tháp Cửu Linh Lung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem