Kiếm hiệp Kim Dung: Phái Tuyết Sơn và cuộc loạn đả có 1 không 2

Song Minh Thứ hai, ngày 01/03/2021 06:30 AM (GMT+7)
Kiếm hiệp Kim Dung từng mô tả một cuộc tỷ thí võ công hiếm có - nơi các nhân vật phái Tuyết Sơn xuất chiêu sơ hở, chỉ mong sớm "vỡ đầu, chảy máu".
Bình luận 0

Kiếm hiệp Kim Dung luận về chữ "Danh"

Độc giả mê tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung thường chỉ ghi nhớ Hoa sơn luận kiếm gắn với tên tuổi Thiên hạ ngũ tuyệt: Đông Tà Hoàng Dược Sư – Tây Độc Âu Dương Phong – Nam Đế Đoàn Trí Hưng - Bắc Cái Hồng Thất Công – Trung thần thông Vương Trùng Dương (Đệ nhất võ lâm thiên hạ - Hoa sơn luận kiếm lần thứ nhất).

Võ lâm ngũ tuyệt Hoa Sơn luận kiếm lần cuối cùng: Đông Tà - Tây Cuồng - Nam Tăng - Bắc Hiệp - Trung Ngoan Đồng.

Võ lâm ngũ tuyệt Hoa Sơn luận kiếm lần cuối cùng: Đông Tà - Tây Cuồng - Nam Tăng - Bắc Hiệp - Trung Ngoan Đồng.

25 năm sau, Hoa sơn luận kiếm lần 2 diễn ra, Vương Trùng Dương đã mất, ngoài 4 đại cao thủ còn lại kể trên, còn có sự góp mặt của Châu Bá Thông, Cầu Thiên Nhẫn và  "tài năng trẻ mới nổi" Quách Tĩnh. Lần này không phân rõ ngôi vị số 1 nhưng võ công Tây Độc được coi là mạnh nhất.

Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng được Kim Dung mô tả trong hồi cuối  Thần điêu hiệp lữ có tên "Trên đỉnh Hoa Sơn". Ngũ tuyệt thuở ban đầu, mấy chục năm sau chỉ còn lại 2 là Đông Tà và Nam Đế (khi đó là Nhất Đăng đại sự, chuyển hiệu Nam tăng). Ba vị trí còn lại được thay thế bởi Tây Cuồng (Dương Quá), Bắc Hiệp (Quách Tĩnh) và Trung Ngoan Đồng (Châu Bá Thông).

Cũng tại cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần cuối cùng, Kim Dung còn tả cuộc "Hoa sơn luận kiếm"... trù bị giữa một nhóm "cao thủ tự phong", khoảng 30-40 nam nữ tăng tục, ai cũng lăm lăm vũ khí,"tự tưởng tượng" ra trình độ võ công khủng khiếp "vô tiền khoáng hậu" của mình, hò hét ầm ĩ, "gọi đòn" khiến Chu Bá Thông, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư... cũng phải giật mình thầm nghĩ: "Chẳng lẽ đoàn người mình đều là ếch ngồi đáy giếng, không biết rằng ngoài trời có trời, trên người có người" (suy nghĩ của Đông Tà).

Kiếm hiệp Kim Dung: Tuyết Sơn luận kiếm cầu... bại có 1 không 2! - Ảnh 3.

Không màng chữ "Danh", Lão ngoan đồng Châu Bá Thông được Hoàng Dược Sư tôn vinh Đệ nhất võ lâm thiên hạ"

Phải khi chứng kiến những "cao nhân", những "nhân tố X" kia ra đòn, mọi người mới nhìn nhau tủm tỉm cười, rồi không chịu nổi cười phá lên!

Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3 không cần ai "ra đòn" (chắc bọn giang hồ nhãi nhép khi "ra đòn" hộ hết rồi) mà chỉ luận đạo lý. Đó là nơi một con người đầy cá tính như Hoàng Dược Sư đã phải tâm phục khẩu phục Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, tôn ông ở vị trí số 1 với lời ca ngợi:

"Lão Ngoan đồng ơi là Lão Ngoan đồng, huynh mới là bậc anh tài. Hoàng lão tà ta coi nhẹ cái danh, Nhất Đăng đại sư coi cái danh là hư ảo, chỉ có Chu huynh trong lòng không hề nghĩ đến chữ "Danh", còn cao hơn bọn tiểu đệ một bậc. Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng, trong ngũ tuyệt, huynh đứng đầu" (trích Thần điều hiệp lữ).

Thưởng thiện phạt ác!

Trong hơn chục bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của mình, phía sau những tình tiết éo le, vô cùng "loằng ngoằng dây điện", những âm mưu vô cùng tàn độc... nhà văn Kim Dung luôn truyền tải nhân sinh quan, thế giới quan xuyên suốt, "nhất dĩ quán chi" của mình.

Người tốt, chắc chắn sẽ có kết thúc có hậu bằng cách này hay cách khác. Kẻ ác, dù có khéo léo che giấu tham vọng, "mưu hèn kế bẩn" của mình tới cỡ nào đi nữa, cuối cùng cũng lộ. Đúng là: "Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt vậy!

Có thể kể đến những nhân vật điển hình như Địch Vân (Liên Thành Quyết), Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký), Lệnh Hồ Xung (Tiếu Ngạo Giang Hồ)... chịu bao cay đắng, mang bệnh tật đầy người tưởng như không cách nào qua khỏi cuối cùng lại gặp "quý nhân", "gặp dữ hóa lành", gặp kỳ duyên để trở thành đại hiệp!

Còn những nhân vật đại gian đại ác, làm bao việc "thương thiên hại lý" dù có thể đắc ý nhất thời nhưng chung cuộc đều phải nhận cái kết đắng. Đó là Kinh thiên nhất bút Chu Trường Linh (Ỷ thiên đồ long ký) hay Thiết tỏa hoành giang Thích Trường Phát, tri phủ Lăng Thoái Tư (Liên Thành Quyết)...

Kiếm hiệp Kim Dung: Tuyết Sơn luận kiếm cầu... bại có 1 không 2! - Ảnh 4.

Tạo hình Trương Tam, Lý Tứ cùng nhân vật trung tâm Thạch Phá Thiên (giữa) trong Hiệp Khách Hành.

Mượn tiểu thuyết nói truyện đời, Kim Dung miêu tả nhân vật Trương Tam, Lý Tứ (Thưởng thiện phạt ác) – sứ giả Long Mộc đảo trong Hiệp khách hành.

Đây cũng là bộ kiếm hiệp Kim Dung tả một cuộc đấu võ có một không hai, nơi những nhân vật "ra đòn" chỉ cầu thua.

Số là phái Tuyết Sơn có "nội biến", huynh đệ thường ngày "anh anh em em", hứa "đồng cam cộng khổ", "sinh tử có nhau", bỗng nhiên "quên hết" lao vào nhau với toàn chiêu thức tàn độc, tranh ngôi chưởng môn.

Đang đánh nhau hăng, bỗng "Thưởng thiện phạt ác" xuất hiện với "lệnh bài" mời chưởng môn Tuyết Sơn đi dự "tiệc" cháo Lạp Bát ở ngoài biển Đông.

Các "đại anh hùng" đang từ thông minh chợt thành... ngớ ngẩn bởi tương truyền lâu nay, nhiều đại cao thủ, đi ăn "cháo Lạp Bát" thì chẳng còn đường về.

Vậy là từ chỗ "đòn thế kín kẽ", cẩn mật, các "cao thủ" Tuyết Sơn bỗng nhiên "sơ hở" lạ lùng, cứ nhăm nhe đưa tay, chân mình vào đao kiếm đối thủ để được... bị thương và thua.

Câu chuyện hài hước giàu tính thời đại như thế mà Kim Dung đã viết ra hàng chục năm trước thì cũng chịu cụ rồi!

Ngày nay, không ít người cũng cố sức tranh nhau làm lãnh đạo đó sao. Nhưng giả như khi đang tranh nhau rất hăng, có "thưởng thiện phạt ác" tới gặp thì sao nhỉ (?!).

Đến đây, có lẽ chỉ có thể mượn tiếng thở dài của Đông Tà Hoàng Dược Sư để đi tìm câu trả lời thôi:

"Bọn mù quáng, đạo danh vẫn còn khá nhiều. Nhưng không ngờ trên đỉnh Hoa Sơn lại có hạng người như vậy!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem