Kiểm lâm hóa xe ôm, rượt đuổi bắt tội phạm

Chủ nhật, ngày 03/07/2011 16:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt ) - Vườn Quốc gia Bến En có rùa vàng. Loài rùa này mai vàng, ngực vàng. Để tránh loài này tuyệt chủng, kiểm lâm ở đây đã trở thành những "trinh sát hình sự" phá án...
Bình luận 0

Chặn đứng nạn tận diệt rùa vàng

Năm 1995, Thanh Hóa rộ lên nạn bắt rùa vàng lén lút bán sang Trung Quốc. Người Trung Quốc mua với giá cực đắt, vài chục triệu một lạng. Một con chỉ bằng nắm tay, bỏ vào túi quần, có mà giời biết. Một người chuyên thu mua rùa vàng nên chắc là rất nhiều tiền. Không ai ngờ cái họa ập đến với ông ta. Hai tên lưu manh giết ông rất dã man để cướp tiền, vứt xác ở mấy nơi hòng phi tang. Tên đồng lõa đã bị xử tử hình, còn tên chủ mưu trốn thoát.

 img
Một góc hồ trong Vườn quốc gia Bến En. Nơi đây rất giàu tiềm năng phục vụ du lịch.

Một lần kiểm lâm viên Lê Văn Chiến hóa trang làm gã xe ôm, la cà quán nước. Có ai đó nhắc đến vụ án mạng ấy. Thốt nhiên một ông say rượu lè nhè, dào ôi, nó vẫn sống nhăn kia kìa, lấy vợ đẻ con đàng hoàng... Sáng sau, Chiến cầm một chai rượu đến nhà ông ta, lân la làm quen, hỏi dò. Sau đó cử người đến vùng ông ta nói (mãi một xã miền núi Nghệ An) nắm tình hình.

Quả thật, tên tội phạm đã mai danh ẩn tích, thành một người nông dân, lấy vợ, có một con. Qua trinh sát, các anh biết chiều chiều tên này hay đá bóng với đám thanh niên trong xã. Chiến quyết định bắt hắn tại sân bóng. Nhưng hôm ấy, linh tính mách bảo thế nào mà hắn lại ở nhà. Thấy anh trưởng công an xã vào nhà, hắn chột dạ, ấn vội con cho vợ, phi ra sân phóng thẳng.

Nấp ngoài vườn chè, Chiến vội phóng theo. Phía sau là trưởng công an xã. Đuổi theo có đến 3 cây số. Trời nhá nhem. Phía trước là ruộng mía. Nó thuộc đường, bản năng sống thôi thúc nên chạy thục mạng. Chiến hô đứng lại, không tao bắn. Nó vẫn chạy, chỉ mấy bước nữa, ruộng mía và bóng tối sẽ cứu hắn. Anh bắn cảnh cáo đến phát thứ ba, nó rạp mình tránh đạn nhưng vẫn chạy tháo thân. Phát thứ tư trúng hông tên tội phạm...

Kết thúc vụ án cũng là chấm dứt nạn bắt rùa vàng Bến En. Đóng góp của Lê Văn Chiến như thế, thảo nào anh em VQG Bến En coi anh như người nhà.

Còn một vụ nữa khá ngộ. Giám đốc Bến En hồi ấy (1997) hơn Chiến nhiều tuổi, lại đã thân quen như anh em nên hỏi Chiến, liệu mày có bắt được nó không? Nó là tên trùm lâm tặc, có lệnh truy nã hẳn hoi mà không hiểu sao chả ai bắt. Hắn vẫn ung dung ở nhà với vợ con mới kỳ.

24 Tết, Chiến cùng một cộng sự lên VQG. Đêm, giám đốc vẫn thấy Chiến ngồi đánh phỏm với quân mình. Ông nhìn anh nghi ngờ... Sao mày bảo...? - Thì sáng mai em nộp nó cho anh là được chứ gì. Quá nửa đêm, Chiến vào đúng nhà bà chủ hàng Hùng Hoa bây giờ, sà vào ngủ ké giường với mấy đứa trẻ con để lấy sức.

Khoảng 4 giờ sáng, đồng đội đi nắm tình hình về báo cáo. Hai anh em lặng lẽ tiếp cận đối tượng. Chiến xông vào. Đã còng được một tay hắn rồi mà không sao còng được nốt tay kia. Gã lâm tặc vốn là thợ sơn tràng nên khỏe vô cùng, tay cứng như thép. Hai vật một mà vẫn chưa khuất phục được hắn...

Một ý chợt lóe lên, chỉ cần mày không chạy thoát là được rồi. Vẫn trong tư thế giằng co, hai vật một, Chiến lựa thế bập chiếc còng còn lại vào tay... chính đồng đội mình. Anh bạn “ơ” một tiếng rồi hiểu ngay ra mẹo của Chiến...

Nói về rừng, về chuyện bảo vệ rừng, kể chuyện chiến tích của Lê Văn Chiến mưu trí dũng cảm bắt bọn lâm tặc, chính là dẫn đến một đề xuất: Nhất thiết phải thành lập lực lượng cảnh sát rừng và trao cho họ chức năng, quyền hạn, vũ khí, trang thiết bị, phương tiện cần thiết. Có như thế mới bảo vệ rừng hiệu quả.

Du lịch sinh thái là mũi nhọn

Chúng tôi táp vào một hòn đảo. Rừng đã khép tán từ hơn chục năm trước. Tối âm u. Sau 20 năm được bảo vệ, nó đã tái sinh tự nhiên, xanh tốt. Theo tay Giám đốc Thuận chỉ, tôi ngắm một cây lim xanh, đường kính đã hơn 20cm.

Anh Lê Đình Phương - Phó Giám đốc cho biết, mấy năm nay Bến En đã trồng thêm được 80ha lim xanh, mỗi ha 600 cây. Tỷ lệ sống là 70 - 80%. Đấy là cây giống chỉ cao 3 - 40cm nên dễ bị lớp thực bì xung quanh lấn lướt. Nếu cây con cao trên dưới 2m trồng sau một tuần, lại tưới nước phân kích thích ra rễ thì sống 100%. Hiềm nỗi, giá mỗi cây giống này những 200.000 đồng. Trồng cây sưa thì lãi thật đấy, nhưng sợ không giữ nổi.

Cả 21 hòn đảo lớn nhỏ, chưa đảo nào được đặt tên, cũng có nghĩa là chưa được đầu tư. Chúng tôi lên hòn đảo duy nhất có đường bê tông cho người đi dạo trong rừng. Hai ngôi nhà theo kiểu nhà sàn sẵn sàng đón các đôi lứa đến hưởng tuần trăng mật giữa rừng xanh, hồ nước. Nhưng xây xong mấy năm rồi, số lần cho thuê chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Con đập cao 37m, dài 500m ngăn sông Mực thành hồ Bến En. Hồ trên rộng 3.000ha, hồ dưới 1.000ha tạo cảnh quan tuyệt vời cho VQG. Đập này lấy nước tưới cho 12.000ha ở các huyện Như Xuyên, Quảng Xương, Nông Cống. Dãy núi đá vôi Hải Vân quanh hồ cũng có nhiều hang động đẹp như Mộng Mơ, hang Ngọc, hang Dơi, động Suối Tiên... nhưng chưa được khai thác, chưa có điện thắp sáng nên mới ở dạng tiềm năng. 4 xuồng du lịch (10 chỗ) sẵn sàng đón khách, nhưng thỉnh thoảng mới có người vào thuê.

Trong câu chuyện với chúng tôi, lực lượng kiểm lâm, những người thầm lặng giữ rừng thầm mong du lịch phát triển, đời sống người dân khá lên thì cảnh phá rừng, tận diệt rừng sẽ không còn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem