Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm, ghi hình khi bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra

Phạm Hiệp Thứ năm, ngày 30/07/2020 16:42 PM (GMT+7)
Viện trưởng Viện KSND tối cao vừa quyết định ban hành quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra…
Bình luận 0

Cụ thể, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí vừa ký Quyết định 264, ban hành quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Theo đó, đối tượng áp dụng của quy trình tạm thời này là viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên của Viện KSND các cấp.

Cùng với đó là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi tiến hành các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Quy trình tạm thời này có 5 chương, 17 điều.

Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm, ghi hình khi bị can kêu oan - Ảnh 1.

Theo quy trình tạm thời, kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ điều tra viên, cán bộ điều tra thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan có thẩm quyền điều tra. (Ảnh minh hoạ: Kiemsat.vn)

Theo quy trình này, tại Điều 4, những trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bao gồm:

Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Các trường hợp có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh gồm: Hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

Trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định;

Lấy lời khai của người làm chứng theo quy định, lấy lời khai của người bị hại, đương sự theo quy định; đối chất theo quy định.

Tại Điều 5, về kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thể hiện, kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong các trường hợp:

Bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan; bị can, người đại diện pháp nhân khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật; khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra (tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ, lời khai của bị can, người đại diện pháp nhân trước sau không thống nhất…".

Đối với các trường hợp mà kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sẽ tiến hành kiểm sát việc này qua nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Đáng chú ý, trong quá trình tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, trường hợp đang hỏi cung bị can, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật không ghi âm hoặc ghi hình được thì dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai.

Phải ghi rõ trong biên bản lý do dừng, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Các kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh sẽ được Viện KSND các cấp bố trí bộ phận, cán bộ chuyên môn có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ.

Khi cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu muốn sao lưu, sử dụng thì phải có công văn đề nghị với Viện KSND các cấp. Được sự đồng ý của lãnh đạo Viện thì bộ phận kỹ thuật có trách nhiệm sao lưu kết quả này ra thiết bị lưu trữ, lập biên bản giao nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem