Kiểm soát bèo tây bằng... bọ

Quốc Hải Thứ ba, ngày 13/09/2016 13:30 PM (GMT+7)
Biện pháp thả bọ Neochetina eichhorniae vào môi trường có lục bình (bèo tây) có thể giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho việc diệt lục bình thủ công trên hệ thống kênh rạch ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Bình luận 0

Giải pháp kiểm soát lục bình hiệu quả

Nhóm nghiên cứu do TS Lê Khắc Hoàng (thuộc bộ môn Bảo vệ thực vật, khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) vừa nghiên cứu thành công việc nhân nuôi bọ Neochetina eichhorniae để kiểm soát việc phát triển của lục bình trên hệ thống kênh rạch.

img

Vớt bèo tây bằng phương pháp thủ công trên kênh rạch ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: G.V

Sau khi nhân nuôi thành công, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bọ Neochetina eichhorniae kiểm soát hiệu quả lục bình trên một nhánh sông tại địa bàn quận 12, TP.HCM.

Cụ thể, sau thời gian nghiên cứu và tìm kiếm trên khắp đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống sông rạch các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhóm nghiên cứu đã bắt được 2 loài thiên địch Neochetina eichhorniae và Neochetina bruchi đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng để kiểm soát sự phát triển của lục bình. Với sự đầu tư kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã thu được thành công trong việc nhân nuôi bọ Neochetina eichhorniae. Sau khi nhân nuôi thành công, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bọ Neochetina eichhorniae kiểm soát hiệu quả lục bình trên một nhánh sông tại địa bàn quận 12, TP.HCM.

Theo TS Lê Khắc Hoàng - Trưởng nhóm nghiên cứu, lục bình là loại thực vật ngoại lai xâm lấn vô cùng nguy hại, đe dọa sự ổn định của các vùng sinh thái nước ngọt, đe dọa đến đa dạng sinh học thủy sản. Ở khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, lục bình còn là nơi để các sinh vật môi giới gây hại cho sức khỏe con người ẩn nấp, điển hình như muỗi, sán... Chưa kể lục bình còn gây tắc nghẽn hệ thống tưới tiêu, thủy lợi, tràn vào các đồng lúa gây cản trở giao thông đường thủy, đường thoát nước trong các trung tâm thành phố, gây ngập lụt cục bộ trong mùa mưa.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, việc diệt trừ lục bình đã được chính quyền TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NNPTNT quan tâm từ lâu với công tác trục vớt lục bình bằng thủ công hay trục vớt bằng máy. “Tuy nhiên, sau mỗi đợt trục vớt, lục bình lại lây lan rất nhanh, chưa kể chi phí cho công tác trục vớt rất tốn kém. Việc phòng trừ bằng thuốc trừ cỏ gần như là không thể thực hiện trong điều kiện quan ngại về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các nguồn thủy sinh… Vì vậy, việc diệt lục bình bằng bọ Neochetina eichhorniae là giải pháp khá tích cực” - đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đánh giá.

Giải quyết bài toán “diệt lục bình”

Sau khi Trường Đại học Nông lâm TP.HCM nhân nuôi thành công bọ Neochetina eichhorniae, đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh và Chi cục Thủy lợi tỉnh Long An đã đề xuất mong muốn cộng tác nghiên cứu xây dựng mô hình thử nghiệm trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Yên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết: “Hàng năm, tỉnh Tây Ninh phải chi nhiều tỷ đồng cho việc trục với lục bình thủ công cũng như các phương tiện cơ giới tự chế để hạn chế lục bình gây hại trên nhánh sông Vàm Cỏ chảy qua địa bàn tỉnh, nhưng hiệu quả thấp. Vấn nạn lục bình vẫn chưa giải quyết được”.

Đồng quan điểm, ông Võ Kim Thuần - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Long An cũng cho biết, tháng 4.2014, UBND tỉnh Long An đã ban hành chỉ thị về công tác cấp bách vớt lục bình trên sông, kênh, rạch. Tỉnh đã liên tiếp chỉ đạo nhiều đợt ra quân đồng loạt vớt, diệt lục bình tuy nhiên việc trục vớt gặp rất nhiều khó khăn, sau đó lục bình lại sinh sôi và dày đặc trở lại. “Chính vì thế, việc thử nghiệm bọ Neochetina eichhorniae là rất cần thiết” - ông Thuần nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem