Kiểm soát chặt việc nuôi chồn nhung đen

Thứ bảy, ngày 01/12/2012 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Loài chồn nhung đen đã được nuôi nhiều và nuôi từ lâu tại Trung Quốc và chưa thấy có hiện tượng xâm hại, nhưng chưa xác định được liệu khi nuôi ở Việt Nam, nó có phải là loài ngoại lai xâm hại hay không.
Bình luận 0

Trước thông tin trên một tờ báo cho rằng, chồn nhung đen đang được nuôi ở một số địa phương chính là một loài chuột ở Nam Mỹ, và có thể mang nhiều dịch bệnh..., TS Võ Văn Sự (Viện Chăn nuôi) cho biết, chồn nhung đen là một trong hàng trăm giống của loài Guine Pig, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhưng không phải là chuột đồng.

Loài này đã được đưa vào Việt Nam (VN) từ thời Pháp thuộc. Trước đây, chồn nhung đen được dùng làm động vật nghiên cứu trong y học và cũng được xem là sinh vật cảnh. TS Võ Văn Sự cho biết thêm, năm 2005, Hội đồng khoa học của Bộ NNPTNT đã phê duyệt cho Viện Chăn nuôi nhập giống này và năm 2007 chồn nhung đen chính thức được nhập vào VN. Như vậy, việc chồn nhung đen có mặt ở VN không phải là chuyện mới.

img
Các nhà khoa học chưa thể khẳng định chồn nhung đen có phải là sinh vật ngoại lai xâm hại hay không.

Trong khi đó, theo PGS-TS Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì loài chồn nhung đen đã được nuôi nhiều và nuôi từ lâu tại Trung Quốc. Trong thời gian nuôi, chưa thấy có hiện tượng xâm hại. Nhưng liệu khi nuôi ở VN, nó có phải là loài ngoại lai xâm hại hay không thì cần phải có thêm thời gian để xác định.

Tương tự, quan điểm của GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng cho rằng: "Đối với chồn nhung đen thì chưa có những nghiên cứu cụ thể nên cũng chưa thể đưa ra kết luận gì vào lúc này được. Tốt nhất, mỗi lần du nhập một loài mới bất kỳ nào vào nước ta, Nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ và có những bước thử nghiệm để xác định loài đó có phải là loài xâm hại hay không?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem