Kiểm toán Nhà nước chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
Kiểm toán Nhà nước chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
Thành An
Thứ hai, ngày 12/09/2022 18:39 PM (GMT+7)
Kiểm toán Nhà nước chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện ngay đang trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiều 12/9, tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.
Triển khai 184/231 đoàn kiểm toán
Tại phiên họp, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến ngày 31/8/2022 đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 162 báo cáo kiểm toán.
Kết quả kiểm toán cho thấy, có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh thu, chi phí; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao…
Đáng chú ý, sơ bộ kết quả kiểm toán 8 tháng năm 2022 của 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành và 6 báo cáo kiểm toán chuyển từ kế hoạch kiểm toán 2021 sang, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp...
Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2022, các đơn vị đã thực hiện 37.924,2 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện ngay đang trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về kế hoạch kiểm toán năm 2023, ông Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm 2022.
Trong đó ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trình ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023...
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán và mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023.
Đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung nguyên tắc phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã giao tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, rà soát, xem xét tính thống nhất trong việc căn cứ định hướng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024 hay kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023...
Bên cạnh đó, đa số ý kiến đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN.
Cần giảm bớt số cuộc kiểm toán
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt như hiện tại, Kiểm toán Nhà nước cần giảm bớt số cuộc kiểm toán, xác định rõ nội dung nào là trọng tâm để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, đến nơi đến chốn nhằm mang lại những tác động lan tỏa, tích cực.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu, định hướng và lĩnh vực kiểm toán năm 2023 như Kiểm toán Nhà nước đề xuất.
Trong đó, đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách các năm…
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Kiểm toán Nhà nước lưu ý cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai dự án đang dở dang, ít khối lượng hoàn thành, tránh phải điều chỉnh hoặc giảm kế hoạch do chưa có khối lượng thực hiện để kiểm toán nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cân đối lực lượng, thời gian để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán, nhất là tại các địa phương, các bộ có nhiều đoàn kiểm toán để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng ngay trong lực lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.