Kiểm tra an toàn lao động tại dự án tàu điện ngầm Hà Nội
Kiểm tra an toàn lao động tại dự án tàu điện ngầm Hà Nội
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 14/04/2021 05:51 AM (GMT+7)
Để chuẩn bị cho Tháng An toàn, vệ sinh lao động và tháng Công nhân năm 2021, từ nhiều tuần nay, Ban chỉ đạo An toàn lao động quốc gia cùng Thanh tra các bộ ngành đã tiến hành thanh kiểm tra an toàn, trọng tâm là ngành xây dựng.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn lao động hướng tới tháng hành động
Chiều nay (13/4), Đoàn thanh tra thuộc Ban chỉ đạo An toàn quốc gia đã tới kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại công trình xây dựng đào hầm chui tuyến tàu điện ngầm Hà Nội (thuộc Dự án Metro Line 3) do công Công ty Fecon thực hiện.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đây là là tuyến đường sắt thứ 3 - tuyến đường sắt quan trọng nhất của dự án và cũng là tuyến đường sắt quan trọng nhất của quốc gia.
Để thực hiện, công ty đã dùng loại robot đào hầm đào xuyên qua các tuyến đường. Đây là công việc phức tạp, nên đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn lao động được thực hiện nghiêm ngặt.
"Chúng tôi không chỉ chấp hành nghiêm những quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 mà còn đảm bảo quy chuẩn an toàn lao động theo đúng những tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, các đơn vị tài trợ nước ngoài cũng luôn giám sát, thực hiện kiểm tra đảm bảo an toàn lao động", ông Hiếu nói.
100% lao động của công ty đều được tập huấn phòng ngừa tai nạn lao động. Đồng thời, công nhân cũng được cấp phát thẻ an toàn, được công ty trang bị thiết bị bảo hộ lao động chuyên dụng khi làm việc trong môi trường áp suất cao. Việc quản lý công nhân, nguyên vật liệu ra vào đều được nhập liệu tự động. Điều này đảm bảo quản lý tốt công nhân cũng như định vị được vị trí của công nhân nếu có tai nạn xảy ra để kịp thời hỗ trợ.
Hiện tại, công ty đã có hơn 3 triệu giờ lao động an toàn, không để xảy ra tai nạn lao động, hay mất vệ sinh an toàn lao động, ảnh hưởng tới quá trình lao động.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của công ty trong việc thực hành đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, người lao động. Ông Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục, công ty sử dụng nhiều máy móc hiện đại, tạo ra nguy cơ cao về tai nạn lao động, công ty càng phải ứng dụng nhiều hơn nữa những công nghệ mới đảm bảo phòng ngừa tai nạn lao động.
Dự kiến lễ phát động tháng an toàn lao động diễn ra vào ngày 28/4.
Trước đó, sáng 13/4, Ban chỉ đạo An toàn lao động quốc gia đã tổ chức Họp thống nhất phương án tổ chức Tháng An toàn, vệ sinh lao động năm 2021.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết đây là cuộc họp cuối cùng của Ban chỉ đạo An toàn lao động Quốc gia trước khi chính thức phát động, tổ chức Tháng An toàn, vệ sinh lao động năm 2021.
Dự kiến trong tháng hành động, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức sự kiện tặng quà, thăm hỏi các gia đình có người bị tai nạn lao động. Cụ thể, Ban chỉ đạo sẽ chia làm 3 đoàn, trong đó có đoàn Bộ LĐTBXH; Đoàn Tổng liên đoàn; Đoàn Trung ương Hội nông dân đi thăm tặng quà cho các gia đình nạn nhân.
Dự kiến, lễ phát động tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 28/4 tại Hà Nội và kéo dài tới 31/5.
Ngoài ra trong tháng hành động cũng sẽ tổ chức các hoạt động như: Tặng quà cho các doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo an toàn lao động; tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn thảo luận về hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức đối thoại hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động cũng sẽ được triển khai đồng loạt tại nhiều địa phương; Từ đó xử lý những trường hợp sai phạm và tăng cường ý thức của doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng cho rằng , ngoài việc phòng ngừa an toàn lao động, cần phải quan tâm hơn tới vấn đề phòng ngừa, khám chữa bệnh nghề nghiệp cho lao động. Công tác này từ lâu ít được chú ý, giám sát.
Ông Phạm Văn Đức - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (Trung ương Hội nông dân Việt Nam) cho biết, thời gian qua Hội cũng tăng cường tuyên truyền phòng ngừa tai nạn lao động trong ngành nông nghiệp cho nông dân. Nhiều phiên tập huấn, tuyên truyền cũng được tổ chức tại các cấp hội.
Trong tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2021 này, Hội Nông dân cũng đề nghị Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương cử người cùng đi thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân bị tai nạn lao động.
"Lao động là nông dân, làm nông nghiệp đông, hiểu biết an toàn lao động còn hạn chế. Vì thế mong muốn ban chỉ đạo hỗ trợ tăng cường công tác tập huấn, đảm bảo an toàn lao động cho nông dân nói riêng khối ngành nông nghiệp nói chung", ông Đức cho biết.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, lễ phát động năm nay đúng vào dịp ngày lễ lớn 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5. Đây là dịp tốt để nhấn mạnh vai trò của công nhân lao động cũng như nhìn nhận lại công tác chăm sóc, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, người lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.