Đảm bảo an toàn lao động trong khu vực phi chính thức:Tăng giải pháp, thêm chính sách bảo hiểm

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 06/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù vấn đề đảm bảo an toàn lao động trong khu vực phi chính thức đã được đưa vào luật, thế nhưng thực tế việc triển khai còn nhiều khó khăn. Tới đây Bộ LĐTBXH sẽ đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn lao động cho khu vực phi chính thức.
Bình luận 0

Cung cấp bảo hiểm cho lao động tự do

Mới đây trong buổi đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTBXH) khẳng định, sẽ ưu tiên dành nhiều nguồn lực nhằm tăng cường ATVSLĐ cho khu vực phi kết cấu (lao động tự do không có hợp đồng lao động, lao động nông thôn, làm nông nghiệp, lao động thủy hải sản...).

Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) mới bao phủ được hơn 20% lực lượng lao động, vẫn còn gần 80% lực lượng lao động đang nằm ngoài hệ thống này. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới đạt khoảng 5% lực lượng lao động. Mặc dù, một bộ phận lao động tự do, không có hợp đồng đã chủ động tham gia BHXH, nhưng họ chỉ được chi trả 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, phần đa những người mua BHXH tự nguyện đang trong độ tuổi lao động, nguy cơ bị tai nạn lao động là thường xuyên. Tâm lý "cái cần không có" đã khiến BHXH tự nguyện chưa tạo được sức hút với lao động tự do.

Đảm bảo an toàn lao động trong khu vực phi chính thức: Tăng giải pháp, thêm chính sách bảo hiểm - Ảnh 1.

Lao động tại làng nghề mộc Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Minh Nguyệt

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Trước thực trạng đó, năm 2017 Hội đồng quốc gia về an toàn lao động cũng đã trình Chính phủ việc ban hành bảo hiểm tai nạn lao động cho khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, còn nhiều điểm vướng mắc nên loại hình bảo hiểm này chưa thể thực thi. Ông Hà Tất Thắng cho biết: "Điểm vướng thứ nhất là về tài chính, chưa cân đối được thu chi. Điểm vướng thứ 2 là ở khu vực này chưa có lực lượng thanh tra, giám sát, vì thế chưa thể triển khai được".

Ông Thắng cũng cho biết, Hội đồng quốc gia về an toàn lao động đang hoàn thiện lại tờ trình để năm 2021 trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội thông qua. Nếu được thông qua, bảo hiểm tai nạn lao động sẽ chỉ điều chỉnh với tai nạn lao động mà sẽ không hỗ trợ bệnh nghề nghiệp. Tuy vậy, đây cũng sẽ là cơ hội lớn để đảm bảo an toàn lao động cho người lao động thuộc khu vực phi chính thức - lao động yếu thế.

Tăng giám sát, thống kê ở địa phương

Báo cáo của Hội đồng quốc gia về an toàn Lao động cho thấy, tỷ lệ đơn vị có quan hệ lao động báo cáo về an toàn lao động khá đầy đủ. Tuy nhiên, ở khu vực phi chính thức, việc khai báo còn quá ít, chủ yếu chỉ diễn ra khi có tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội, trung bình mỗi năm, toàn thành phố chỉ có 5-7% số doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động. Nhưng con số 5-7% mà ông Dân nêu ra cũng chỉ nói đến những đơn vị sử dụng lao động có hợp đồng. Trên địa bàn thành phố còn có hàng nghìn người sử dụng lao động nhưng không xác định quan hệ lao động chính thức, với không biết bao nhiêu lao động thời vụ, không ràng buộc bất cứ điều khoản nào, kể cả những cam kết về bảo đảm ATVSLĐ. Trong đó, hầu hết lao động không có hợp đồng đều là những người từ nông thôn, miền núi về để tìm việc làm. Khi có tai nạn lao động, họ thường chịu nhiều thiệt thòi vì không được giải quyết chế độ, quyền lợi.

Ông Hà Tất Thắng cho biết, việc thống kê tai nạn lao động với người lao động tự do rất khó. Hiện nay Cục An toàn lao động đã xây dựng phần mềm để địa phương và người lao động ở khu vực phi chính thức có thể khai báo.

Cũng theo ông Thắng, Bộ LĐTBXH đã có đề nghị Quốc hội phê duyệt tăng nhân lực làm công tác đảm bảo ATVSLĐ ở nông thôn, theo đó, tăng thêm cho mỗi huyện một cán bộ làm công tác thống kê an toàn lao động, điều tra với các vụ tai nạn lao động có chết người...

Bên lề chương trình đối thoại, chia sẻ biện pháp giảm thiểu tai nạn lao động cho một số ngành nghề, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, hệ thống pháp luật hiện nay về ATVSLĐ của chúng ta tương đối hoàn chỉnh, vấn đề thực thi thuộc về doanh nghiệp và địa phương. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, có chế tài để xử lý, đảm bảo trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động. Đặc biệt khu vực không có quan hệ lao động còn đang ít được quan tâm, các cấp chính quyền phải đưa vào nội dung hoạt động nhằm giúp người lao động hiểu được vấn đề này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem