Kiến ba khoang hoành hành khiến nhiều người nhập viện với bộ mặt sưng húp

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 21/10/2022 06:11 AM (GMT+7)
Kiến ba khoang "tấn công" vào phố khiến nhiều người bị phồng rộp ra, sưng húp mặt mũi, tay chân lở loét, phải nhập viện.
Bình luận 0

Gia tăng bệnh nhân đến khám vì viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang

Tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám vì các tổn thương do kiến ba khoang tăng cao. Các bác sĩ cũng cảnh báo, đây là "mùa" kiến ba khoang bùng phát nên các gia đình cần phải biết cách phòng ngừa và xử trí nếu tiếp xúc với kiến ba khoang. 

Nhập viện ngày 20/10, bệnh nhân V.H.Y (36 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ba ngày trước chị ngủ dậy với vùng mắt phải sưng đỏ, đau rát. Chị ra hiệu thuốc "miêu tả" và được bán cho 1 tuýp thuốc để bôi. 

Kiến ba khoang hoành hành khiến nhiều người nhập viện với bộ mặt sưng húp - Ảnh 1.

Bệnh nhân Y đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương do viêm da nghiêm trọng vì kiến ba khoang Ảnh CTV

Tuy nhiên, sau 1 ngày bôi thuốc, vùng da quanh mắt sưng đỏ, trợt loét, đau đớn, mắt sưng húp. Lúc này chị mới đi khám và được chẩn đoán bị viêm da nghiêm trọng do kiến ba khoang. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), hiện nay đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên số ca bị tổn thương da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng cao. 

"Kiến ba khoang có độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phồng rộp, dễ nhầm với zona thần kinh", bác sĩ Linh chia sẻ. 

Kiến ba khoang hoành hành khiến nhiều người nhập viện với bộ mặt sưng húp - Ảnh 2.

Một bệnh nhân lớn tuổi với nhiều tổn thương do kiến ba khoang tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh CTV

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện Quân đội 108) cũng nhận định, hàng năm vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 thì bệnh nhân đến khám do viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang lại gia tăng. 

Các bệnh nhân đến khám với tổn thương da là các rát đỏ thành dải, rải rác có thể kèm theo mụn nước, mụn mủ chủ yếu ở vùng da hở, kèm theo cảm giác ngứa rát nhiều. Người bệnh có thể được chẩn đoán nhầm là zona, herpes…

"Nhiều người hiểu nhầm tổn thương da là do kiến ba khoang đốt. Nhưng kiến ba khoang không đốt mà khi bị chà xát hay dập nát, cơ thể chúng có thể phóng ra chất dịch chứa chất paederin. 

Chất dịch này khi tiếp xúc với bề mặt da gây nên phản ứng viêm da tiếp xúc kích ứng (mọi người thường hay hiểu lầm là kiến ba khoang đốt), tiếp xúc với mắt gây nên: loét kết mạc, giác mạc, bỏng mắt…", thạc sĩ Trang chia sẻ. 

Kiến ba khoang hoành hành khiến nhiều người nhập viện với bộ mặt sưng húp - Ảnh 3.

Nhưng kiến ba khoang không đốt mà khi bị chà xát hay dập nát, cơ thể chúng có thể phóng ra chất dịch chứa chất paederin gây tổn thương da.

Viêm da do kiến ba khoang có thể nhầm với bệnh Zona, Herpes

Theo bà Trang, vào mùa mưa ban đêm kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm, bám vào quần áo, khăn mặt…. 

Người bệnh vô tình bị côn trùng rơi vào cổ mặt, phần hở thân mình, dơ tay quệt, đập, hay dùng khăn rửa mặt làm côn trùng có chứa chất pederin tiếp xúc trực tiếp lên da. Sau khi tiếp xúc người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, kèm theo đỏ một vùng da.

Sau 6-12 giờ tổn thương da đỏ cộm thành vệt, nề lên, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, nặng hơn có thể hình thành mụn mủ, bọng mủ kèm theo loét, hoại tử da. Một số có tổn thương đối xứng ở khoeo tay, bẹn (kissing lesion).

Trường hợp nặng, người bệnh có thể có sốt nhẹ, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Tổn thương da thường hết sau 1 tuần, tuy nhiên sẽ để lại dát thẫm màu và sẽ mờ dần đi theo thời gian

"Rất nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bị chẩn đoán nhầm với bệnh Zona. Zona là bệnh lý do virus Varricella-zoster. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng những đám mụn nước nhỏ trên nền dát đỏ, ở một bên cơ thể, theo đường đi của dây thần kinh, đặc biệt bệnh thường đi kèm các triệu chứng đau rất dữ dội.

Một số trường hợp được chẩn đoán nhầm với bệnh Herpes. Trong khi bệnh Herpes là bệnh do virus Herpes simplex gây nên, với tổn thương là mụn nước nhỏ tập trung thành đám, ở vùng niêm mạc môi, sinh dục… Người bệnh thường có cảm giác ngứa, rát, châm chích… bệnh thường hay tái phát", thạc sĩ Trang phân tích thêm. 

Kiến ba khoang hoành hành khiến nhiều người nhập viện với bộ mặt sưng húp - Ảnh 4.

Khi nhà có kiến ba khoang, người dân không nên dùng tay trần đập chết. Ảnh minh họa

Bác sĩ Linh cũng cảnh báo các trường hợp viêm da do kiến ba khoang nhưng tự mua thuốc về uống và bôi. Những cách điều trị không đúng khiến tổn thương lan rộng và nghiêm trọng. 

Theo bác sĩ Linh, khi nhìn thấy kiến ba khoang, người dân không nên dùng tay trần để bắt kiến, giết kiến khiến dịch tiết của kiến làm "cháy da". 

Nếu tiếp xúc với kiến ba khoang mà thấy vùng da bị nóng rát thì nên rửa vùng đó bằng nước sạch, nước muối loãng, xà phòng và bôi thuốc làm dịu da; Sau đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách; Tránh gãi, cọ xát để dính độc tố sang các vùng da khác làm lây lan thương tổn.

Biện pháp phòng tránh viêm da do kiến ba khoang

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang cây cối, bụi rậm

- Nếu phát hiện khu vực sinh sống có kiến ba khoang, cần hạn chế mở cửa, hạn chế sử dụng nhiều bóng đèn điện trong trường hợp không cần thiết, có thể sử dụng lưới chống côn trùng.

- Trước khi ngủ cần quét nhà, mắc màn

- Trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn, … cần có thói quen kiểm tra kỹ, giũ sạch.

- Khi phát hiện kiến ba khoang cần bình tĩnh để thổi nhẹ hoặc hất chúng bay đi, tránh bắt giết, chà xát.

- Khi đã vô tình tiếp xúc hay chà xát nên rửa sạch vùng tiếp xúc bằng nhiều nước sạch hay nước muối sinh lý 0.9%.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện Quân đội 108)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem