Tái xuất hiện cúm A/H5 trên người, sau hơn 8 năm vắng bóng
Tái xuất hiện cúm A/H5 trên người, sau hơn 8 năm vắng bóng
Diệu Linh
Thứ năm, ngày 20/10/2022 19:50 PM (GMT+7)
Chiều 20/10, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam ghi nhận ca cúm A/H5 trên người ở bé gái 4 tuổi, sau 8 năm vắng bóng ca bệnh này ở Việt Nam.
Ca cúm A/H5 này được ghi nhận từ bệnh phẩm của bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ. Đây là thông tin được TS. Nguyễn Lương Tâm cung cấp tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 diễn ra chiều 20/10.
Theo đó, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho biết, ngày 17/10/2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 4 tuổi (ở Phú Thọ).
Một chuyên gia dịch tễ cho biết mẫu xét nghiệm của bệnh nhân mới chỉ khẳng định nhiễm cúm A/H5 và chưa đủ để đánh giá nhiễm kháng nguyên "N" nào.
Đây là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1.
Về ca bệnh này, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ.
Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Ông Dương khẳng định, ca bệnh được phát hiện kịp thời, được nhanh chóng khoanh vùng, kiểm soát nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Cúm A/H5 là cúm gia cầm, thường gây dịch rải rác ở Việt Nam. Thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.
Theo Cục Y tế dự phòng, cúm A/H5 thường được xác định khi bệnh nhân từng tiếp xúc với gia cầm bị bệnh (hoặc người mắc bệnh cúm gia cầm), hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.
Biểu hiện lâm sàng với những diễn tiến cấp tính như: Sốt trên 380C, có thể rét run; Ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên..; Khó thở, thở nhanh, tím tái; Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng. Và khi X quang phổi sẽ có các hình ảnh tổn thương thâm nhiễm lan toả một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1 ở người.
Để phòng chống cúm A/H5 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.