Kiên Giang: Nuôi tôm công nghệ cao, nông dân “hốt bạc”

Thiên Thiên - Chúc Ly Thứ sáu, ngày 29/11/2019 13:08 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều nông dân tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy. Mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, giúp bà con nông dân tiếp cận được những phương pháp nuôi bằng kỹ thuật mới và nhẹ công chăm sóc.
Bình luận 0

Hạn chế dịch bệnh, tôm nhanh lớn

Được biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang thực hiện tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, bước đầu đã chuyển giao kỹ thuật thành công cho người dân tại 3 điểm với diện tích nuôi 6.000m2.

Anh Võ Thanh Bình, cán bộ Tổ Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, cho biết: Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy là mang lại kết quả cao hơn so với mô hình nuôi tôm quảng canh. Với mô hình nuôi tôm trước đây, sau khi kết thúc vụ, người nuôi mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc cải tạo ao, nên chỉ nuôi được vài vụ trong năm. Bên cạnh đó, do không kiểm soát được cặn bã, thức ăn thừa, chất thải từ con tôm nên khí độc thường xuyên bùng phát, khiến con tôm dễ mắc bệnh.

img

Người dân tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch tôm.   T.T

Trong khi đó, khi áp dụng mô hình nuôi tôm trên ao lót bạt đáy, quá trình nuôi tôm của nông dân sẽ ít rủi ro, hạn chế mầm bệnh và các tác động xấu đối với môi trường. Người nuôi có thể chủ động được các yếu tố về môi trường như: Độ pH, kiềm, canxi... Trong quá trình nuôi, nông dân còn có thể quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, cặn bã đều được thải ra bên ngoài giúp khống chế được khí độc, nâng cao tỷ lệ sống của tôm và tăng số vụ nuôi 2 - 3 vụ/năm.

Là một trong những hộ được triển khai mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn, ông Mai Văn Nhường (ngụ ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn), cho biết trong giai đoạn 1, ông nuôi tôm với mật độ 1.200 con/m2, được ương vèo trong ao 300m2 lót bạt đáy có mái che bằng lưới, trong thời gian 25 ngày. Sau đó, ông Nhường chuyển sang nuôi diện rộng giai đoạn 2, với diện tích ao 2.000m2, mật độ thả nuôi 162 con/m2, thời gian nuôi đến khi thu hoạch là 66 ngày.

img

Với ao lót bạt đáy, người dân có thể nuôi 2-3 vụ tôm/năm.  T.T

Khi thu hoạch cỡ tôm 149 con/kg, với giá thành 126.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu về hơn 200 triệu đồng. “Qua quá trình sản xuất tôi nhận thấy mô hình này mang lại kết quả cao hơn, tôm ít bị dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc. Nhờ có hệ thống máy móc hiện đại, người nuôi có thể dễ dàng quản lý môi trường ao nuôi so với cách nuôi cũ” - ông Nhường đánh giá.

Hỗ trợ chi phí đầu tư mô hình

Từ một tỉnh chuyên canh lúa, nhờ đầu tư, khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, Kiên Giang đang trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất, nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn 2019 - 2025, Kiên Giang sẽ tiếp tục chuyển đổi hơn 20.000ha chuyên lúa sang nuôi tôm - lúa ở những nơi bị ảnh hưởng xâm nhập mặn vào mùa khô tại U Minh Thượng và một phần vùng tứ giác Long Xuyên. Một số giải pháp đã được áp dụng cho cả hai giai đoạn phát triển tôm nuôi gồm: Tổ chức lại sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi, tăng cường năng lực sản xuất, cung ứng giống; áp dụng khoa học - kỹ thuật và lồng ghép các nguồn vốn...

Tuy nhiên, một số hộ tham gia mô hình cho biết, trong quá trình nuôi tôm bà con cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, phải liên tục xử lý các yếu tố môi trường khiến chi phí tăng từ 10-15%. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho mô hình này lớn, tiềm lực kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc đầu tư trang thiết bị cho mô hình trong giai đoạn đầu còn khó khăn.

Mặc dù vậy, đa số nông dân đều nhận định, sau khi tiếp cận và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, họ tin tưởng ở các mùa vụ tiếp sẽ thu năng suất cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Toản – Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang), thông tin: “Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng đề án nhân rộng để tạo điều kiện cho người nuôi tôm tập trung nâng cao sản lượng và năng suất. Mô hình mới này hứa hẹn mang lại hiệu quả cao cho người dân, giúp người nuôi tôm có thể thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay”.

Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi tôm nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn lót bạt đáy, áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc... trong nuôi tôm nước lợ đã trở nên khá phổ biến. Từ đó, năng suất tôm nuôi tăng lên đáng kể, cụ thể nuôi tôm thẻ chân trắng trước kia năng suất khoảng 10 - 12 tấn/ha/vụ thì nay đã có thể đạt 30 - 50 tấn/ha/vụ. Trên địa bàn tỉnh đang có khoảng vài trăm ha nuôi tôm áp dụng theo các phương thức này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem