Kiến nghị kéo dài gói kích cầu thêm 3 năm

Thứ năm, ngày 13/05/2010 11:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trương Quang Hoài Nam, cho biết, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ lãi suất thời hạn 2-3 năm cho nông dân vay vốn mua máy móc.
Bình luận 0
img
Chỉ cho vay vốn ngắn hạn khiến ND mua sắm vội vã, có thể mua phải máy nông nghiệp kém chất lượng. (ảnh minh họa).

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 497 và 2213 của Thủ tướng về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Hội nghị diễn ra tại Hà Nội hôm qua, 12-5 do Bộ Công Thương chủ trì.

Ưu đãi nhiều nhưng hưởng quá ít...

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - ông Trương Quang Hoài Nam thừa nhận: Việc ban hành và thực hiện các Quyết định 497 và 2213 (gọi tắt là 497 và 2213) là vô cùng đúng đắn, đưa ra rất nhiều ưu đãi để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, song thực tế triển khai hơn 1 năm qua, nông dân lại được hưởng quá ít.

Tổng dư nợ cho vay theo 497 đến 31-12-2009 chỉ đạt trên 776 tỷ đồng, còn theo 2213 là gần 147 tỷ đồng (đến 31-3-2010) và việc triển khai cho vay theo các quyết định này, theo thống kê tổng hợp từ các địa phương, đã xảy ra vô vàn vướng mắc...

Ông Trần Nhật Tân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh bức xúc vì đến cuối năm 2009, Hà Tĩnh còn hàng ngàn hộ dân đã lập hồ sơ vay vốn nhưng chưa được giải quyết (vì các ngân hàng “kêu” không có tiền), gây bức xúc trong nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ô tô-xe máy Hà Nội cũng nêu một thực tế: Chúng tôi chưa triển khai được 2213 vì không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để bà con tiếp cận được xe tốt cũng như tiếp cận được nguồn vốn. Ngân hàng chỉ cho vay 65% giá trị xe ô tô mà nông dân mua, còn 35% (tương đương 20 triệu đồng) vốn đối ứng bà con cũng không biết lấy đâu ra.

Ông Lê Văn Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp cũng cho rằng, kể cả khi thủ tục dễ dàng mà thời gian cho vay ngắn như quy định hiện nay (thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 24 tháng) thì cũng không đem lại hiệu quả cho người nông dân.

Theo Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng, ĐBSCL cần trên 10.000 máy gặt đập nhưng cả vùng hiện chỉ có chưa đến 3.000 máy. Cả tháng doanh nghiệp cũng không cung ứng nổi vài máy thì làm sao khuyến khích nông dân mua máy sản xuất trong nước. Quy định phải có xác nhận của Chủ tịch UBND xã phường để nông dân mua máy, có hỗ trợ lãi suất không mua đi bán lại cũng không thực hiện được.

Thực tế, các vị lãnh đạo này đều không dám xác nhận vì không có cơ sở nào để xác nhận. Chưa hết, nhiều hộ nông dân đã thế chấp sổ đỏ nên không thể vay thêm được vốn.

Nên coi là chính sách quốc gia

Tổng dư nợ cho vay theo 497 đến 31-12-2009 chỉ đạt trên 776 tỷ đồng, còn theo 2213 là gần 147 tỷ đồng (đến 31-3-2010) và việc triển khai cho vay theo các quyết định này-theo thống kê tổng hợp từ các địa phương-đã xảy ra vô vàn vướng mắc...

Để triển khai hiệu quả các quyết định này, ông Trương Quang Hoài Nam cho biết, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ lãi suất thời hạn 2-3 năm cho nông dân vay vốn mua máy móc.

Với việc vay vốn ngắn hạn làm nông dân mua sắm vội vã, không có sự lựa chọn và mua phải máy kém chất lượng. Hoặc với mức vay 50 triệu đồng để mua vật liệu làm nhà ở với thời gian tối đa 12 tháng thì nông dân nghèo không có khả năng hoàn vốn đúng hạn.

Ông Lê Văn Việt cho rằng, Chính phủ nên mạnh dạn thực hiện chính sách này lâu dài, trên địa bàn cả nước và coi đây là chính sách chung của quốc gia như nhiều nước đã áp dụng thành công.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện ưu đãi lên 5 năm và nếu được thực hiện “vô thời hạn” thì công cuộc đổi mới, phát triển nông thôn càng hiệu quả.

Không những vậy, chính sách cần mở rộng thêm một số ngành như chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản vì các ngành này cũng khó khăn; mở rộng sang cả máy móc liên doanh và nâng mức cho vay hỗ trợ lãi suất phù hợp với từng loại cây trồng...

Ông Nguyễn Danh Trọng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, với 2213 và Quyết định 41 Chính phủ vừa ban hành (trong đó quy định rõ các mức cho vay, cho vay không cần thế chấp và Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất thông tư hướng dẫn) thì nhiều thủ tục sẽ được cởi mở và tháo gỡ.

Tới đây sẽ không có chuyện thiếu vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn vì Chính phủ đã yêu cầu phải quyết liệt thực hiện các chính sách hỗ trợ khu vực này trong năm 2010 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. “Các ngân hàng phải đáp ứng đủ vốn cho nông dân vay” - ông Trọng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem