Kiến nghị phân cấp, giao Sở Xây dựng các tỉnh quản lý lĩnh vực nhà ở

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 09/09/2023 08:13 AM (GMT+7)
HoREA cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm cho Sở Xây dựng quản lý nhà ở trên địa bàn cấp tỉnh và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng là phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bình luận 0
Kiến nghị phân cấp, giao Sở Xây dựng các tỉnh quản lý "lĩnh vực nhà ở” - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm cho Sở Xây dựng quản lý nhà ở trên địa bàn cấp tỉnh để phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Quang Duy

Tiếp tục Góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Quốc hội và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, khoản 4 Điều 37 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương "thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay, khoản 4 Điều 37 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định "Trường hợp bàn giao nhà chung cư thì tùy vào cấp công trình nhà chung cư, chủ đầu tư phải có thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở cấp trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ".

Như vậy, theo quy định này và các quy định của pháp luật về xây dựng có liên quan thì tất cả các nhà chung cư là công trình cấp I và các nhà chung cư là công trình dưới cấp I nhưng thuộc dự án đầu tư "có quy mô lớn, công trình ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng", thì chủ đầu tư cũng "phải có thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương" là Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng).

"Quy định này được ban hành trước Nghị quyết 06-NQ/TW, chưa phù hợp với chủ trương thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị. Vì vậy, cần được sửa đổi để luật hóa chủ trương của Nghị quyết số 06-NQ/TW", ông Châu nói.

Hơn nữa, nếu khoản 4 Điều 37 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua thì sẽ dẫn đến tình trạng hầu như tất cả các dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội đều phải được Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở.

Điều này có dấu hiệu "tập trung quyền" về các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, chưa phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương.

Kiến nghị phân cấp, giao Sở Xây dựng các tỉnh quản lý "lĩnh vực nhà ở” - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA. Ảnh: Quốc Hải

"Khoản 4 Điều 37 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định "cơ quan quản lý nhà ở cấp trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở" là "chưa đủ" mà cần phải bổ sung quy định phải có "thông báo công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật" để chủ đầu tư và khách hàng yên tâm", ông Lê Hoàng Châu, kiến nghị.

Đặc biệt, dẫn chứng về việc "tập trung quyền" này sẽ gây nhiều phiền hà, rắc rối cho thị trường, HoREA cho hay, hiện nay, cả nước có hơn 3.000 khu nhà chung cư, trong đó có khoảng 50% được xây dựng trước năm 1975.

Trong 20 năm gần đây, hầu hết nhà chung cư xây dựng mới là công trình cấp I (có số tầng từ 25-50 tầng, có chiều cao >75-200m), hoặc là công trình cấp II (có số tầng từ 8-24 tầng, có chiều cao >28-75m).

Cho đến nay, cũng mới chỉ có công trình nhà chung cư đến độ cao 150m và chưa có nhà chung cư nào thuộc công trình cấp đặc biệt (trên 50 tầng, có chiều cao trên 200m).

Do vậy, với các quy định pháp luật về xây dựng (nêu trên) thì trong các năm qua có thể có đến hàng trăm dự án nhà chung cư đã phải được "các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng" thẩm định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và tại thời điểm kết thúc hoạt động xây lắp và nghiệm thu công trình của dự án thì cũng phải được "các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng" kiểm tra công tác nghiệm thu.

Vì vậy, HoREA đề nghị phân cấp, giao cho các địa phương cấp tỉnh quản lý lĩnh vực nhà ở là phù hợp nhất.

"Đề nghị phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm cho Sở Xây dựng quản lý nhà ở trên địa bàn cấp tỉnh và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở đến giai đoạn thực hiện dự án, kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành thi công xây dựng công trình, thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở và công trình nhà chung cư đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định pháp luật", ông Lê Hoàng Châu, kiến nghị.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị các quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Nghị định 15/2021/NĐ-CP, Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng nên cần được xem xét sửa đổi để "luật hóa" chủ trương tại Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về "phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị".

HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu kỹ về mặt khoa học, y học để cân nhắc xem xét có nên hay không nên cho phép xây dựng nhà chung cư cấp đặc biệt, kể cả nhà chung cư cấp I có số tầng từ 25-50 tầng, có chiều cao >75-200m.

Riêng với trường hợp có địa phương cấp tỉnh chưa tự tin hoặc chưa có đầy đủ năng lực để quản lý đô thị thì HoREA đề nghị các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng có trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem