Đây là động thái bất khả kháng bởi từ năm 2005 tới nay, mặt bằng giá cả đã có thay đổi rất lớn.
Theo Sở GT-VT, hàng năm, ngân sách thành phố phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt. Cụ thể, năm 2006 là 203 tỷ đồng, năm 2007 là 237 tỷ đồng, năm 2008 là 440 tỷ đồng, năm 2009 là 425 tỷ đồng, năm 2010 là 621 tỷ đồng và năm 2011 là 1.332 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá các yếu tố đầu vào tăng như nhiên liệu, tiền lương... nếu không điều chỉnh giá vé là không hợp lý.
|
|
Căn cứ số liệu thống kê tình hình thực hiện vé lượt và vé tháng hàng năm, Sở GT-VT đề xuất điều chỉnh tăng cả giá vé lượt và giá vé tháng với những lý do nhằm đảm bảo đủ kinh phí cho doanh nghiệp vận hành chủ động trong việc sửa chữa bảo dưỡng và khấu hao phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt; đảm bảo sự hài hòa giữa doanh thu từ vé lượt, vé tháng và những người sử dụng phương tiện khác từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu của dịch vụ công ích.
Đặc biệt, theo tính toán về khả năng chi trả của người dân Hà Nội cho nhu cầu đi lại bằng xe buýt, hiện nay, giá vé lượt là thấp và giá vé tháng là quá thấp so với khả năng chi trả bình quân của người dân và việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt người dân có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, chi phí đi vé tháng thấp hơn so với vé lượt nhưng vẫn cần thiết phải duy trì chính sách ưu tiên cho học sinh, sinh viên và những người đi lại thường xuyên bằng vé tháng.
Sở GT-VT lập luận, việc tăng giá vé sẽ giúp tăng doanh thu, từng bước giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp. Sau khi tăng giá vé tháng nếu khách đi vé tháng không đổi thì doanh thu tăng thêm 281,1 tỷ đồng/năm đạt 690,4 tỷ đồng/năm.
Trường hợp trong 1-3 tháng đầu điều chỉnh giá vé tháng, có thể khách vé tháng tạm thời giảm nhẹ nhưng sau đó sẽ lại ổn định và tối thiểu trợ giá sẽ giảm được trên 224,8 tỷ đồng (bằng 80% mức giảm tối đa theo tính toán ở trên). Sở GT-VT đánh giá, việc điều chỉnh giá vé lượt và vé tháng sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dung dịch vụ xe buýt.
Liên quan tới các mức giá điều chỉnh cụ thể, Sở GT-VT kiến nghị, đối với vé lượt, giá tăng từ 2.000 đồng - 3.000 đồng, tương đương 40 đến 75%, tùy theo cự ly tuyến. Đối với vé tháng, mức tăng từ 5.000 đồng tới 65.000 đồng/tháng, tương đương 11 tới 80%%, tùy theo đối tượng và loại tuyến (1 tuyến hoặc liên tuyến).
Sở GT-VT cũng kiến nghị TP giao cho Sở chủ trì phối hợp với Sở Tài chính điều chỉnh mức giá vé xe buýt theo từng thời kỳ khi chi phí cho VTHKCC bằng xe buýt tăng trên 10% và mức điều chỉnh tối đa không quá hệ số trượt giá hàng năm do Cục Thống kế Hà Nội công bố.
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.