Kiên nhẫn với chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới

Hà My Thứ năm, ngày 01/10/2020 19:00 PM (GMT+7)
Có một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới quá nặng nề đối với trẻ. Nhận định này có xác đáng hay không?
Bình luận 0

Kiên nhẫn với chương trình mới

Tính tới thời điểm này, học sinh cả nước đã trải qua hơn 3 tuần thực học của năm học mới. Học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 sẽ được trải nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới, được coi là công sức nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong thời gian dài vừa qua.

Tuy nhiên, khi học sinh còn chưa "ráo chỗ" tại trường học, thì đã có không ít lo lắng từ phía phụ huynh cho rằng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới quá "nặng". Cụ thể, có ý kiến cho rằng học sinh lớp 1 chỉ là các em "mẫu giáo lớn"; việc học cần phải được cô giáo vừa dạy, vừa dỗ để tăng khả năng tập trung theo thời gian của các em. Những phụ huynh này cho rằng, kiến thức của chương trình lớp 1 năm nay, đặc biệt là môn tiếng Việt quá nặng khiến cho việc học của học sinh ở nhà như "đánh vật".

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến than phiền, cũng có không ít phụ huynh học sinh lớp 1 cho rằng việc học của con tại trường diễn ra bình thường, nhẹ nhàng, không thấy con áp lực. Chị Vân Anh (Nam Từ Liêm - Hà Nội) có con trai học lớp 1 cho biết, việc học của con diễn ra khá thuận lợi sau 3 tuần tới trường. "Tôi không cho con học viết trước khi đi học lớp 1 nên việc học viết của cháu có vẻ kém "thuận" hơn so với các bạn cùng lớp. Thế nhưng theo đánh giá của tôi, quá trình học của con vẫn diễn ra trôi chảy, không áp lực, đáp ứng được với yêu cầu của giáo viên trên lớp" - chị Vân Anh chia sẻ.

Kiên nhẫn với chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chị Vân Anh cũng cho biết lượng bài tập về nhà cô giáo giao là không nhiều cộng với việc không quá đặt nặng áp lực, yêu cầu quá cao đối với con nên việc học tập tại nhà của con chị diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

Cùng chung quan điểm này, chị Thanh Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết con chị học lớp 1 tại trường TH Nghĩa Tân, mỗi ngày đi học của con thực sự là một ngày vu: "Tôi thấy năm học này cô giáo và nhà trường được tự chủ hơn rất nhiều trong việc đánh giá năng lực, dạy theo khả năng của học sinh trong lớp. Không hề có việc mẹ con phải "đầu bù tóc rối" trong việc làm bài tập ở nhà. Lượng bài tập giao về nhà không nhiều và cũng không khó. Tôi nghĩ với học sinh mới vào học lớp 1 thì việc kèm cặp ở nhà của bố mẹ là đương nhiên. 

Quan trọng nhất vẫn là cách thức tiếp cận của bố mẹ phải đúng đắn, không thể đặt ra mục tiêu quá cao đối với con mình được. Cần phải tâm niệm rằng việc biết chữ, đọc, viết là cầu nối để con tiếp thu tri thức, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Do đó cha mẹ cần có cái nhìn chi tiết hơn để giúp đỡ con mình, tránh việc con thì áp lực bố mẹ thì bất lực" - chị Thảo cho hay.

Nhận định về chương trình lớp 1 mới sau 3 tuần thực học, cô giáo L.H, giáo viên lớp 1 một trường TH trên địa bàn quận Tây Hồ cho hay, đúng là đối với giáo viên và học sinh có những điều khó khăn hơn so với chương trình cũ, nhưng không phải không có những điểm tiến bộ, hiện đại hơn. "Được tập huấn từ khá lâu trước khi năm học mới bắt đầu, tuy nhiên những kiến thức qua tập huấn chủ yếu vẫn là lý thuyết, vì vậy giáo viên cần có thời gian để tích lũy, phát triển và sửa đổi phương pháp dạy của mình. Không thể nào yêu cầu học sinh cũng như giáo viên "ngày một, ngày hai" có thể đạt được sự hoàn hảo trong quá trình học được. Ví dụ như chương trình năm nay kích thích sự sáng tạo và nắm bắt của học sinh theo hướng tự nhiên, học sinh tự liên hệ được thực tế thì nắm bắt rất nhanh" - cô L.H nói.

Cô H. cũng lưu ý rằng phụ huynh không nên nóng vội trong thời gian đầu kèm cặp trẻ. "Trong năm học này, việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường là rất quan trọng, tuy nhiên vì phụ huynh đọc chương trình mới cũng phải tự thay đổi cách học của mình nên tránh nóng vội, làm trẻ áp lực sẽ dẫn tới việc chán học" - cô L.H nói thêm.

Quá sớm để đánh giá cả chương trình 

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết có những ý kiến trên mạng xã hội phản ánh chương trình lớp 1 mới "nặng", nhưng thực tế Bộ vẫn chưa nhận được phản hồi tương tự từ phía cơ sở giáo dục, giáo viên, nhà khoa học.

Đối với môn học Tiếng Việt, chuẩn đầu ra của lớp 1 là việc các em có thể viết được bao nhiêu từ trong một phút, có khả năng đọc hiểu như thế nào. Năm học lớp 1, học sinh lớp 1 tăng môn Tiếng Việt từ 350 tiết ở chương trình cũ lên 420 tiết ở chương trình mới nên không thể nói là nặng hơn. Cũng theo ông Tài, việc đánh giá cụ thể cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tránh vội vã chỉ qua một số hiện tượng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định rằng Bộ GDĐT đã đánh giá tại nhiều nơi, thấy các trường có kế hoạch triển khai rất khác nhau, tuỳ vào điều kiện, sở trường của giáo viên để đảm bảo được tiêu chuẩn đầu ra. Vì thế để đánh giá cụ thể chương trình lớp 1 hiện tại là quá sớm.

Kiên nhẫn với chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới  - Ảnh 2.

Còn quá sớm để đánh giá chương trình lớp 1 mới.

Định hướng của Bộ Giáo dục khi xây dựng chương trình giáo dục tiểu học mới đã được nêu rõ: Chương trình giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Định hướng này được bám sát trong việc xây dựng, thẩm định chương trình học cũng như các bộ sách mới. 

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, cần phải tập huấn kỹ càng hơn cho giáo viên để thực hiện đúng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới. "Giáo viên cần cởi bỏ tâm lý cứng nhắc để có thể chủ động điều chỉnh chương trình nhanh chậm tùy thuộc vào năng lực học sinh. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là tại Hà Nội số lượng học sinh lớp 1 quá đông khiến giáo viên lớp 1 chịu áp lực không nhỏ trong việc dạy học".

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tự do cho rằng, chương trình khó hay dễ thì toàn bộ trẻ em cũng sẽ biết đọc và viết sau lớp 1. Chương trình năm nay cố định, giảm tải, nhưng một số sách giáo khoa soạn theo cách để tiến độ học hơi gấp lúc đầu và thả lỏng về sau, khiến giáo viên "hoảng sợ" và dạy nhanh.

Bà Hương lưu ý rằng năm nay, giáo viên được tự chủ hoàn toàn tốc độ học. Các giáo viên nếu giữ tốc độ cứ mỗi tiết học 1 trang thì sẽ bị nặng. Tuy vậy, áp lực cũng chỉ đến trong 2 tháng đầu. Sau đó, tất cả các trẻ học trước hay không cũng như nhau. 

"Học tập là quá trình dài hơi, nếu con mới học thì sự chuệch choạc là đương nhiên.  Vì thế, cha mẹ đừng quá lo lắng, không nên sốt ruột khi con viết xấu, đọc sai khi mới vào lớp 1" - bà Hương nói. 




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem