Kiểng rồng ở đất Chín Rồng

Thứ hai, ngày 30/01/2012 20:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vựa lúa, mà còn được biết đến như là vùng cây trái bạt ngàn và các vườn kiểng lớn nhỏ. Thú chơi tạo hình rồng kiểng từ cây, hoa trái cũng đặc biệt được ưa chuộng ở đây.
Bình luận 0

Kỳ công

Kiểng rồng được coi là kiểng chủ lực của Tết Nhâm Thìn 2012. Theo đời sống tâm linh của người ĐBSCL, năm Rồng là năm nhiều may mắn và hình tượng linh vật rồng mang đến nhiều may mắn cho mọi nhà, nên được các nghệ nhân để mắt đến nhiều nhất.

img
Kiểng rồng dài 30m.

Nơi có nhiều nghệ nhân tạo hình rồng nhất là Bến Tre. Nổi tiếng nhất ở Bến Tre là nghệ nhân Năm Công (tên thật là Nguyễn Văn Công). Vườn kiểng rồng của ông Công nằm ven Quốc lộ 57 (ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách). Năm nay, kiểng rồng của ông đẹp mắt nhất. Nhiều cặp rồng dài 10m, 20m, đến 40m được ông uốn đến thành thục mỹ mãn được chăm sóc chu đáo và tạo hình đẹp đến từng nét một.

Khi ngắm kiểng rồng, cảm nhận đầu tiên là sự công phu tỉ mỉ, thật khéo léo của nghệ nhân. Kiểng rồng qua bàn tay của họ được uốn rất giống con rồng truyền thuyết, trông sống động, gần gũi. Ở xứ miền Tây, làm kiểng rồng đến giờ này hầu như chưa có sách vở hướng dẫn cặn kẽ, người làm được chỉ người làm mới, rồi rút kinh nghiệm làm theo, làm riết rồi quen kiểu nghề dạy nghề vậy.

Làm kiểng rồng không phải dễ. Nghệ nhân kiểng Lê Văn Đơn (Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre), cho biết: Muốn uốn tạo kiểng rồng “khủng”, có giá trị cao phải mất nhiều thời gian, mỗi gốc kiểng đưa vào tạo dáng rồng phải nuôi dưỡng và chăm chút cả mấy năm trời, thậm chí muốn gốc to, phải mất gần chục năm. Muốn đưa vào uốn tạo dáng, ít nhất nhà vườn phải trồng sẵn cây vật liệu đủ đảm bảo “độ chín” mới tạo được dáng - ông Đơn nhấn mạnh.

Kiểng rồng không phải vật liệu nào (cây nào) cũng làm được. Có người làm kiểng rồng nhỏ bằng cây bùm sụm hay mai trắng lá nhuyễn, nhưng tốt nhất vẫn là cây si; gần đây, nhà kiểng lấy cây gừa tàu làm kiểng rồng cũng độc đáo không kém. Nhưng theo ông Năm Công, cây si rất hiệu quả, vì sinh trưởng nhanh, sống tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên dễ chăm sóc, nuôi dưỡng và đặc biệt là dễ uốn. Cây si trồng chừng khoảng 3 năm là có thể dùng làm vật liệu để uốn kiểng rồng.

Kiểng rồng bao gồm các ụ, gốc trồng cây nguyên liệu, khung, trụ đỡ và các dụng cụ hỗ trợ uốn tạo dáng. Nếu muốn bố trí kiểng rồng dài bao nhiêu, thì nghệ nhân chỉ việc lên kế hoạch trước. Theo đó, dự kiến có bao nhiêu khúc cần uốn lượn; độ cao, thấp cỡ nào để phân đoạn và xác định các ụ, gốc trồng tại các điểm đáy của những điểm uốn thấp nhất.

Ngay từ khi cây còn nhỏ, nghệ nhân làm sẵn khung sắt (nhẹ, có độ bền cao) theo hình rồng uốn lượn phù hợp kích thước dự kiến. Khung được đặt bên trên các ụ gốc trồng cây và đứng vững nhờ các trụ đỡ. Khi cây tại các ụ, gốc trồng phát triển, được nghệ nhân kéo đưa nhánh bò trên khung.

Cây được chăm sóc đặc biệt, gốc cây được chăm bồi dinh dưỡng thường xuyên, cân đối và không để sâu bệnh tấn công, gây hại. Các nhánh mới trưởng thành, đủ kích thước cần thiết được áp vào khung sắt, sau đó cho phát triển nhánh phụ và bộ lá để tăng sinh khối, kết nên các bộ phận của rồng, rồi được cắt tỉa hình, tạo dáng.

Lan tỏa

Kiểng miền Tây không chỉ làm đẹp xứ mình mà còn vươn xa xứ người. Năm 2009, một số doanh nghiệp từ Singapore đã đến tận Bến Tre, tham quan dài ngày các điểm sản xuất kiểng thú, rồi đặt mua 2 container kiểng thú với giá ngất ngưởng mang về xứ. Năm 2010, cũng tại Bến Tre, các nhà vườn đã xuất bán thêm 4 container kiểng thú sang Singapore và mon men các thị trường mới như Campuchia, Trung Quốc, mở ra hướng mới nhiều triển vọng của nghề kiểng thú, đặc biệt kiểng rồng.

Miệt ĐBSCL cũng từng làm nhiều cặp rồng dài đến 40 - 50m, đã gửi đi dự triển lãm ở Đà Lạt, rồi ra tới Hà Nội vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài rồng làm từ cây cảnh, nghệ nhân khu vực ĐBSCL cũng từng tạo hình rồng hoa quả (nhân các Festival Cây trái) và lúa gạo (Festival Lúa gạo) rất ấn tượng.

Nếu như Bến Tre là xứ sở xuất xứ nhiều kiểng rồng lớn, thì các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang làm kiểng rồng nhỏ hơn. Bến Tre có nghệ nhân kiểng rồng tên tuổi như Năm Công, Lê Văn Đơn hay đàn em Bảy Cưng, Tư Sang; thì Bạc Liêu cũng có nghệ nhân kiểng rồng Ba Huệ, Út Trân; Cần Thơ có Hai Trầm; Đồng Tháp có Sáu Liêm;… tất cả hòa chung nhịp đập trái tim và tâm hồn yêu thương linh vật và biết trải lòng mình để thổi hồn vào cây kiểng.

Khách thập phương khi chiêm ngưỡng kiểng rồng rất ấn tượng về sự sáng tạo của nghệ nhân, tạo nên giá trị mới ở từng đường nét nghệ thuật trên tác phẩm... Quan trọng là đầu rồng, nghệ nhân có cái nhìn sáng hơn, tỉ mỉ, sử dụng các vật liệu trang trí, làm sao cho đầu rồng thấy mạnh mẽ, tạo các điểm nhấn trên đầu rồng, nhiều nghệ nhân còn đặt cả trái châu vào miệng rồng cho tăng vẻ đẹp. Các chi tiết trên kiểng rồng đều hài hòa, thêm màu sắc, phát huy tính nghệ thuật cao.

Hiện sản phẩm kiểng rồng làm bằng cây si có giá thành từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí đạt hơn 100 triệu đồng/cây. Kiểng rồng làm từ cây si đang ngày càng được ưa chuộng. Các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê hay cơ quan đơn vị, thậm chí cá nhân có nhà, đất rộng rãi, khang trang, rất ưa chuộng và sẵn lòng mua về trang trí trước sảnh bộ kiểng rồng như một sự kiêu hãnh, may mắn đầy hấp dẫn. Gia đình chú Năm Công triển khai trồng 1ha cây si để làm vật liệu sản xuất kiểng thú, kiểng hình, trong đó có kiểng rồng vẫn thấy không đủ, vì nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem