Kiệt sức, bị kỳ thị vì ho nhiều hậu Covid-19

Chủ nhật, ngày 20/03/2022 12:19 PM (GMT+7)
Tình trạng ho kéo dài khiến một số F0 mệt mỏi, thậm chí kiệt sức. Nhiều người cho rằng họ vẫn còn virus và có thể lây lan, song, đây là quan niệm sai lầm.
Bình luận 0
Kiệt sức, bị kỳ thị vì ho nhiều hậu Covid-19 - Ảnh 1.

T.K. (27 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị cơn ho đánh thức giữa đêm. Mỗi lần như thế, người phụ nữ này thường không thể ngủ yên giấc mà gần như thức tới sáng.

Đã 20 ngày kể từ khi mắc Covid-19, K. thường xuyên bị ho, thậm chí có lúc cảm tưởng như “phổi bay khỏi lồng ngực”, cổ họng thường xuyên đau rát kèm theo mất tiếng. Các triệu chứng kéo dài sau khi là F0 khiến K. mệt mỏi, thậm chí mỗi lần ho, người xung quanh thường bày tỏ cảm giác ái ngại khiến cô khá tự ti.

Kiệt sức, chạnh lòng vì từng là F0

T.K. đã được tiêm 3 mũi vaccine Covid-19. Công việc phải đi công tác, tiếp xúc nhiều người khiến K. nghĩ bản thân trước sau gì cũng sẽ nhiễm bệnh nên không quá lo sợ. Khi dịch bùng phát tại TP.HCM, cô được làm ở nhà. Từ giai đoạn đó, K. dành thời gian nhiều hơn cho việc tập luyện thể thao, ăn đủ chất, tự nấu ăn thay vì gọi đồ bên ngoài. Sau khi thay đổi lối sống, người phụ nữ này cảm giác cơ thể thay đổi khá tích cực, không còn ốm vặt.

Tuy nhiên, khi mắc Covid-19 vào cuối tháng 2, triệu chứng bệnh khiến K. khá mệt. Ngày đầu tiên, nữ bệnh nhân sốt cao, cơ thể mỏi và đầu “đau như búa bổ”. Những ngày tiếp theo K. có thêm triệu chứng ho nhiều, nghẹt mũi, đã có lúc SpO2 xuống mức 91%.

Sau 7 ngày tự điều trị tại nhà, K. đã âm tính khi test nhanh và quay trở lại văn phòng làm việc như quy định. Trong khi các triệu chứng khác đã biến mất, tình trạng ho, cơ thể đau mỏi vẫn còn kéo dài. Tần suất ho của K. liên tục, kèm theo đờm khiến đồng nghiệp xung quanh khá ái ngại.

“Một số người trêu sao tôi lại đi làm, vẫn còn ho nhỡ lây virus cho người khác thì sao. Tôi biết là trêu nhưng cũng rất chạnh lòng. Bữa trưa thường tự mang cơm và ăn một mình, đeo khẩu trang trong tất cả thời gian ở văn phòng và ngại nói chuyện với người khác”, K. chia sẻ.

Kiệt sức, bị kỳ thị vì ho nhiều hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Tình trạng ho kéo dài hậu Covid-19 khiến T.K. mệt mỏi, kiệt sức thậm chí tự ti, ái ngại với đồng nghiệp. Ảnh minh họa: CNBC.

Tương tự K., anh Đ.H.C. (33 tuổi, ở Quảng Ninh) cũng phải đối mặt tình trạng ho kéo dài hậu Covid-19. Anh C. lây bệnh từ con gái. Trái ngược với em bé 12 tuổi, người bố gặp nhiều triệu chứng của bệnh và sau gần một tháng, cơ thể vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Vốn là lái xe đường dài, trước khi mắc bệnh, anh C. tự đánh giá sức khỏe của mình rất tốt, gần như không bao giờ bị ốm. Công việc yêu cầu sự tập trung, căng thẳng nhưng anh vẫn kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sau khi mắc Covid-19, chỉ cần ngồi trên xe 3-4 tiếng liên tục là anh C. thấy người rất mệt.

“Tôi ho nhiều, chủ yếu là ho khan. Mỗi lần ho đều rất rát họng và cơ thể như bị rút hết sức lực. Điều này khiến tôi khó tiếp tục công việc trước đây”, người đàn ông bộc bạch. Hiện tại, anh chỉ nhận làm việc nửa ngày hoặc lái các chuyến xe trong phạm vi tỉnh Quảng Ninh hay sang khu vực lân cận, không quá xa.

Nỗi sợ mơ hồ hậu Covid-19

T.T.H. (29 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) vốn bị ho mạn tính, sau khi mắc Covid-19, triệu chứng này vẫn tiếp diễn nên anh khó phân biệt bản thân có gặp di chứng hay không.

“Trước đây, chỉ cần thời tiết thay đổi hay dính lạnh, bụi, mưa là tôi đã ho. Sau khi mắc Covid-19, tình trạng đó vẫn thường xuyên xảy ra nên tôi không rõ mình có gặp di chứng không”, anh H. nói.

Kiệt sức, bị kỳ thị vì ho nhiều hậu Covid-19 - Ảnh 3.

T.T.H. thỉnh thoảng bị mất ngủ, đau đầu sau khi khỏi Covid-19. Vốn có bệnh nền nên H. khá lo lắng nếu nhiễm virus lần thứ hai. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, anh H. gặp phải hiện tượng đau đầu không rõ nguyên nhân hay đột nhiên mất ngủ. “Nhiều đêm, tôi trằn trọc không ngủ được, thức đến gần sáng mới chợp mắt được thì đã phải dậy đi làm. Những hôm như vậy, tôi thường khá mệt, uể oải. Sau đó, tôi cố gắng ngủ bù vào cuối tuần để tình trạng mất ngủ không ảnh hưởng cuộc sống. Cũng may là triệu chứng mất ngủ, đau đầu chỉ xảy ra ít, không liên tục”, người đàn ông 29 tuổi nói.

Với T.K., sau khi khỏi Covid-19, cô cũng thỉnh thoảng bị cơn đau nửa đầu hành hạ. Nhiều lúc, K. ngồi bần thần và nghĩ xem bản thân định làm gì. Tình trạng mơ hồ khiến K. khó phân biệt bản thân có gặp thêm triệu chứng kéo dài khác hậu Covid-19 hay không.

Trong khi đó, hiện tượng ho nhiều cũng khiến anh C. và người thân lo lắng. Nam bệnh nhân cho rằng virus đã tấn công phổi và khiến chức năng cơ quan này không còn được như trước. Tuy nhiên, khi chụp X-quang phổi, các bác sĩ không nhận thấy điều bất thường.

Dù vậy, anh C. vẫn không yên tâm. “Covid-19 là bệnh mới, nhiều ảnh hưởng chưa biết đến nên tôi lo ngại có thể gặp những di chứng sau đó”, người đàn ông này cho hay.

Nhưng điều mà những cựu F0 này lo lắng trước mắt đó là việc sẽ mắc Covid-19 lần thứ hai.

Vốn mắc bệnh nền là béo phì, gout, gan nhiễm mỡ nên H. khá lo lắng nếu bản thân tiếp tục nhiễm virus. “Tôi ‘dính’ hai vạch vào đầu năm, tính đến nay khoảng 2 tháng. Các triệu chứng hậu Covid-19 hiện tại không quá nghiêm trọng nhưng chưa biết tương lai thế nào”, anh H. chia sẻ.

Anh đã chứng kiến một số bạn bè mắc Covid-19 lần hai, thậm chí lần 3, lần mắc sau nặng và nghiêm trọng hơn đợt trước rất nhiều. Do đó, sau khi khỏi Covid-19, H. trách nhiệm hơn với sức khỏe của bản thân.

“Tôi luôn đeo khẩu trang, tuân thủ quy định về phòng dịch. Trong việc ăn uống, tôi bắt đầu đa dạng thực phẩm, ăn nhiều hoa quả chứa vitamin hơn để tăng cường sức đề kháng. Tôi cũng cố gắng ngủ sớm, sống khoa học để không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Sau khi khỏi bệnh, tôi càng thấy việc phòng bệnh hơn chữa quan trọng”, anh nói.

Quan niệm sai lầm về triệu chứng kéo dài hậu Covid-19

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, về bản chất, triệu chứng ho ở người nhiễm SARS-CoV-2 là phản ứng để bảo vệ cơ thể. Việc cơ thể ho sẽ khiến mầm bệnh bị tống xuất ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho quá nhiều hoặc kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, chúng ta sẽ phải điều trị.

Đặc biệt, nếu người bệnh ho khan sau khi khỏi Covid-19, nhiều khả năng virus vẫn còn trong cơ thể và chưa hết hẳn. Một số người thậm chí có thể đã nhiễm virus đường hô hấp khác, dị ứng, khói thuốc, hoặc hóa chất.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xác định rõ thuật ngữ “bị nhiễm” và “truyền nhiễm”. Theo bác sĩ Leana Wen, chuyên gia tại Đại học George Washington, Mỹ, “bị nhiễm" là khi cơ thể người nào đó có virus trong người. "Truyền nhiễm" có nghĩa F0 đang thải virus ra ngoài với lượng đủ để lây cho người khác. Quá trình truyền nhiễm chỉ mang tính thời điểm, đi theo đồ thị hình sin và nguy cơ cao nhất khi tải lượng virus đạt đỉnh.

Do đó, sau khi test nhanh âm tính, người bệnh có thể vẫn có virus trong người nhưng không còn khả năng lây cho người khác. Triệu chứng kéo dài hậu Covid-19 có thể do virus còn sót lại, nhưng không phải vì thế mà người khác sẽ lây nhiễm từ những F0 này.

Để điều trị ho hậu Covid-19, người bệnh có thể sử dụng mật ong, bạc hà và các loại thảo dược, các loại thuốc giảm ho thông qua ức chế trung khu hô hấp (chứa codein hoặc dextromethorphan), các loại thuốc chống dị ứng nhóm kháng sinh histamin thế hệ cũ với ho khan.

Với ho có đờm, nguyên nhân thường do F0 có bệnh mạn tính về đường hô hấp như viêm phế quản hoặc viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này sẽ phải được thăm khám để bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, thuốc long đờm.

Bảo Hân (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem