|
Những đồng lúa ở Bạc Liêu lép hạt vì thiếu nước ngọt trong giai đoạn dưỡng. |
“Chịu đựng hết nổi”
Ngày 15-4, chúng tôi đến tuyến kênh Xáng dài hơn 6 km thuộc huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) và dọc khu vực tiếp giáp Bạc Liêu ghi nhận cảnh hàng trăm nông dân đang “kiệt sức” vì lo chống mặn, hạn.
Bà Huỳnh Thị Liễu mệt mỏi: “Nhà tui có 6 công trồng lúa suốt thời gian qua đã nhiều lần bỏ tiền mua dầu bơm nước ngọt, nay nước mặn đến ngất ngưởng không có tiền bơm và cũng không có nước bơm nữa nên tui quyết định bỏ cho lúa chết cháy! Chịu đựng hết nổi, mai mốt lúa tới ngày, thu được bao nhiêu thì thu….”
Bên kia ranh giới Bạc Liêu, hàng ngàn nông dân thấp thỏm chờ nước ngọt nhưng nước ở các dòng kênh cấp 3, kênh nội đồng khu vực này cũng cạn khô. Nông dân Dương Thị Ẩn (xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi) Bạc Liêu đang canh tác 4 công hoa màu, than: “Khổ bao nhiêu nông dân chịu cũng được nhưng khổ vì không có nước thì không ai chịu thấu! Mùa này coi như mất trắng không biết mùa tới lấy tiền đâu ra mua phân bón, giống má…”.
Qua tìm hiểu của NTNN, đến ngày 15-4, ruộng đồng ở các huyện An Minh (Kiên Giang), Thới Bình, U Minh (Cà Mau), bốn bề đều là nước mặn.
Ông Đinh Văn An, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, buồn giọng: “Đến tắm cũng không dám tắm nhiều vì nước ngọt rất hiếm”. Khoảng nửa tháng trước gia đình ông An may mắn đào mấy cái hầm lấy nước lợ để dùng cho việc tắm giặt, nấu nướng, còn nước ngọt để dành uống. “Có nước lợ xài là đỡ lắm rồi chứ mấy hộ khác đào nhiều hầm mà chỉ toàn là nước mặn nên cực hơn tui nữa…”.
Trong khi đó, tại khu vực giáp ranh Cà Mau với Bạc Liêu, nhiều nông dân lại cần nước mặn để cứu tôm. Hiện có hơn 100.000ha tôm nuôi ở Bạc Liêu và Cà Mau đang từng ngày chờ nước mặn từ kênh Hộ Phòng, Láng Trâm (Bạc Liêu) đưa vào để “cấp cứu”.
Một lão nông trong vùng nói như mếu: “Thật là éo le khi người nuôi tôm và nông dân trồng lúa đều cần cả nước ngọt lẫn mặn nên ai cũng trông chờ đến... kiệt sức! Việc này chỉ có trời cứu…”.
Ngày 14-4, các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã quyết định mở cống Hộ Phòng để lấy nước mặn vào cứu tôm trước, còn phương án cứu lúa thì tiếp tục tính.
Bến Tre: 150.000 đồng/m3 nước ngọt
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, nước mặn có độ mặn cao hơn, xâm nhập sâu hơn, cộng với nắng hạn làm cho trên 600.000ha lúa hè thu thiếu nước.
Theo dự báo, chỉ cần mặn lấn sâu thêm 10km nữa là không thể cứu lúa ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp, Trà Vinh… Cùng với đó là hàng trăm nghìn hộ dân ở ĐBSCL sẽ điêu đứng vì thiếu nước ngọt…
Tại Bến Tre, hàng chục nghìn hộ dân thuộc các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú cũng “kiệt sức” vì thiếu nước ngọt. Bà Võ Thị Thu (ấp Tân Bình, xã Thạnh Phước, Bình Đại), là một trong những hộ nghèo của xã than thở: “Nhà tui có 6 nhân khẩu nhưng các con đều bệnh tật không thể lao động. Hàng ngày tui lo chạy gạo còn không kịp nay lại đến chuyện mua nước ngọt để uống nên khổ càng khổ thêm. Hàng tháng tui phải chắt chiu dành gần 100.000 đồng mua một khối nước ngọt để dành uống. Nếu tình hình này kéo dài, gia đình tui chưa biết phải tính sao…”.
Ông Vũ Đình Trác - Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Nước sạch và Tài nguyên môi trường tỉnh Bến Tre cho biết, mặc dù tỉnh đã tăng cường sửa chữa cống đập, nạo vét kênh mương, tăng cường công suất của các nhà máy nước nhưng gần nửa tháng qua người dân thuộc ba huyện trên vẫn thiếu nước ngọt sử dụng. Bởi thế dân phải đổi nước từ những nơi khác với giá từ 50-60 nghìn đồng/m3, có nơi giá lên đến 150.000 đồng/m3.
Ngày 15-4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang cho biết: “Tình hình nước ngọt ở tỉnh hiện nay rất khó khăn, đặc biệt là các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây đang thiếu trầm trọng. Vấn đề khó nhất hiện nay là nước ở các con sông ở những nơi này đã cạn, nhiều trạm bơm cấp nước phải treo máy. Theo dự kiến đến ngày 25-4 tới các con sông sẽ hết nước”.
Theo ông Pháp, hiện tỉnh đang có 3 phương án cấp nước cho bà con trong vùng. Thứ nhất, tổ chức bơm chuyền từ những trạm bơm còn nước sang những trạm bơm hết nước để đảm bảo cho khoảng 500 hộ dân ở các xã của huyện Tân Phú Đông.
Đối với các hộ dân dọc theo đê, sông, sẽ mở những vòi nước máy công cộng phục vụ miễn phí. Thứ hai, tỉnh sẽ cho chuyển nguồn nước từ Mỹ Tho về Gò Công Đông (70km) bằng đường ống mượn của Công ty gạch Đồng Tâm, sau đó xử lý lại nối mạng các trạm cấp nước cho bà con. Cuối cùng là giải pháp dùng xà lan chở nước xuống vùng cù lao, nơi đang khó khăn nhất vì thiếu nước.
Xâm mặn tăng từng ngày
Trưa 14-4, độ mặn trên kênh Nàng Rền (thuộc địa phận xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) được các nhà khoa học đo được là 20%0, mức dao động bình quân từ 15 - 22%0 tuỳ thời điểm đo, như vậy mặn gia tăng gấp cả chục lần so với cách đây gần nửa tháng. Kênh Nàng Rền là cửa ngõ gây ra mặn cho khu vực hạ nguồn Bạc Liêu làm ảnh hưởng nặng nề vùng trọng điểm lúa của 3 huyện giáp ranh Hồng Dân, Vĩnh Lợi và Phước Long.
Các nhà khoa học nhận định mặn dữ dội cộng với sự cạn kiệt nước đã làm “rụi” gần 30 ngàn ha lúa chuẩn bị thu hoạch. Đáng báo động là nước mặn đã sắp lấn vào TP.Cần Thơ, vùng nằm trong “ruột” của các tỉnh ven biển.
Hiện tại nước mặn 4%o đã ăn sâu vào xã An Lạc Thôn giáp ranh giữa Cần Thơ và Sóc Trăng. Nếu thời tiết tiếp tục nắng gắt, trong những ngày tới kèm theo những đợt triều cường gió mạnh nước mặn sẽ vào nội ô TP. Cần Thơ.
Vũ Khánh - Hồng Cẩm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.