Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Trong 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, các công ty xuyên quốc gia, Liên Hợp Quốc, các tổ chức tài chính lớn. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận vô cùng quan trọng không chỉ đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là của cả dân tộc Việt Nam.
Tại diễn đàn có nhiều ý kiến đóng góp phát triển nông nghiệp, đáng chú ý nhất là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT, Australia). Ông quan tâm đến việc sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nông nghiệp Việt Nam tiến sâu vào hội nhập.
Quang cảnh Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”. (Nguồn ảnh: QĐND)
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững của nông dân Australia, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng phân tích, việc đầu tư và phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ vào chuỗi ngành hàng, những hạn chế trong sản xuất và tổ chức quản lý, đặc biệt hạn kỳ sử dụng đất và thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn đã và đang làm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, trà… không ứng dụng được công nghệ cao dẫn tới chất lượng thấp, giá xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50-60% giá trung bình thế giới.
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng nêu rõ, để đột phá nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân; tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp; sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị để nông sản luôn có chất lượng cao. Đó là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nông nghiệp tiến sâu vào hội nhập, làm giàu một cách bền vững cho nông dân và nông thôn Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.