Tình hình Kiev thực sự đã đi vào hỗn loạn và nằm bên bờ vực nội chiến. Hiện tại các tổ chức cực đoan và các băng đảng tội phạm trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ dưới nhiều chiêu bài khác nhau. Họ lợi dụng sự lơi lỏng của hệ thống luật pháp đang bị tê liệt nên đích ngắm của chúng là tấn công vào các hệ thống cửa hàng, nhà băng và người nước ngoài.
Sáng 20.2, sau khi viết những dòng thông báo, dặn dò những người bạn, người thân, đồng hương của mình ở Kiev trên trang facebook, tôi vội vã vơ chiếc áo khoác lên người, cùng vợ xuống đường mua thực phẩm tích trữ. Cô con gái 9 tuổi nhìn bố mẹ và nói tiếng Việt trọ trẹ: “Bố mẹ cẩn thận không bị chúng bắn chết đấy, con không thích sống mồ côi đâu...”. Tôi dặn con: “Không thấy bố mẹ về thì chạy xuống nhà bác Bắc ở tầng 3 nhờ bác nuôi nhé...”.
Biểu tình chống Chính phủ ở Kiev đã biến thành bạo lực đẫm máu.
Lời thoại ngắn gọn của cha con tôi có cả những ý trêu đùa, nhưng thực sự đã ám ảnh tôi, nhất là khi chúng tôi đang sống trong vùng trời Kiev ngùn ngụt bạo lực. Với con gái tôi, cô bé vẫn còn có chút lo sợ, khi sáng nay đến lớp được cô giáo kể rằng có một học sinh lớp 11 đã bị bắn vào đầu lúc ra khỏi nhà để đi học.
Đêm hôm trước có tin nhóm “đầu trọc” rất đông tập trung ở Ủy ban quận Dexnhian và sáng nay có 3 người bị giết – tôi nghe một người dân kể lại trong nỗi sợ hãi... Thế mới hiểu được sống trong hòa bình sung sướng biết chừng nào. Mình từng trải qua chiến tranh, đội mũ rơm đến trường, ăn rau lang, rau má thay cơm, chui hầm khi máy bay Mỹ gầm rú. Thời sang Liên Xô đến tận nơi vùng chiến sự ở vùng Karabak, rồi nhìn pháo bắn vào Nhà Trắng ở Nga, nhìn thấy bom đạn chết chóc bao lần nên quý lắm những phút giây bình yên.
Đã hơn một tháng qua Ukraine trong tình trạng bất ổn, chìm đắm trong khủng hoảng và bạo lực, nhưng hiện tại nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ngày 20.2, chính quyền đã phải dùng loa để khuyến cáo người dân không được ra khỏi nhà, nhưng đến hôm nay (21.2), họ đã cho phép người dân ra đường, sử dụng tàu điện ngầm và đến một số nơi công cộng khác. Tuy nhiên, những con đường vẫn vắng ngắt, tiếng súng vẫn vang lên và nỗi ám ảnh chết chóc vẫn còn đè nặng lên tâm trí của người dân Kiev.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Kiev, số người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn, nổ súng đến ngày 21.2 đã lên đến 100 người, gần 600 người bị thương và 400 người trong số đó đã nhập viện điều trị.
Nhịp sống thật căng thẳng, đi ra đường nhìn nét mặt lo âu tột độ trên những gương mặt vốn hồn hậu của người dân Kiev mà thương. Từ trước đó, tất cả mọi người đổ ra đường, ra chợ, vào siêu thị, trẻ già lớn bé tay xách nách mang mua thực phẩm dự trữ đề phòng tình hình xấu đi. Đặc biệt người xếp hàng dài rồng rắn rút tiền trong ngân hàng bởi có lẽ người ta sợ như thời Liên Xô tan vỡ, khi Nhà nước tan rã thì tiền gửi trong đó cũng mất tiêu.
Sáng 20.2, những người Việt chúng tôi vẫn đi chợ bán hàng, dọn hàng ra được một lúc thì dân Tây chạy nháo nhác thông báo: “Chúng nó nổi loạn đánh nhau ở Metro Darnhitxa và đang kéo về vùng này”. Thế là như ong vỡ tổ! Tây, ta, Tàu và vô số dân cư của các nước khác… mọi người rào rào đóng cửa hàng chạy nhanh về nhà. Thật khốn khổ đúng là "chạy như chạy giặc".
Đến hôm nay thì không còn ai dám mở hàng ở chợ. Tất cả cộng đồng người Việt đều ở trong nhà và nghe ngóng tin tức từ Đài Truyền hình Ukraine.
Tại thủ đô Kiev, có khoảng trên dưới 1.000 người Việt sinh sống. Cuộc sống của mọi người vốn bình yên xưa nay giờ xáo trộn dữ dội, mọi người nháo nhác gọi hỏi tin nhau.
Ẩu đả trong Quốc hội Ukraine Ngày 21.2, ẩu đả đã xảy ra giữa các nghị sĩ tại Quốc hội Ukraine sau khi Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Rybak tuyên bố tạm dừng cuộc tranh luận về khả năng thông qua một nghị quyết nhằm giảm bớt quyền hành của Tổng thống Viktor Yanukovich. Tình trạng hỗn loạn kéo dài vài phút sau khi một số nghị sĩ lời qua tiếng lại. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Rybak, một đồng minh của Tổng thống Yanukovich, đã rời khỏi phòng họp nhưng một số nghị sĩ vẫn tiếp tục phiên tranh luận.
|
Phần lớn trong chúng tôi đến Kiev từ thời Liên Xô cũ. Chúng tôi sống ở hai bờ con sông Danube. Phía bên kia bờ sông là Đại sứ quán Việt Nam và những du học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Kiev. Nơi đó cũng có Quảng trường Độc Lập, nơi người biểu tình chống Chính phủ Ukraine đang cố thủ và gây ra những cuộc bạo loạn. Còn bên này bờ sông Danube, là khoảng 500 người Việt sinh sống và buôn bán ở khu chợ Troeshina. Nhiều người Việt sống ở bờ bên này, nhưng có con theo học ở bờ sông bên kia, đang phải sống trong tâm trạng như “ngồi trên đống lửa”. Bởi, con cái họ đang bị mắc kẹt trong các trường đại học khi biểu tình ập đến và đến nay vẫn chưa có lối thoát để trở về. Nhiều nguồn tin ở Kiev còn cho rằng, có những trường sinh viên còn tấn công cả cảnh sát, khiến tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Thật lo lắng cho vận mệnh đất nước xinh đẹp này, bởi chúng tôi đã sinh sống ở đây hơn 25 năm, bao vui buồn sướng khổ cả một thời thanh xuân cũng có cả ở đây, một thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên được học hành thành đạt cũng ở đây, đã xem đây là quê hương thứ hai của mình sau đất mẹ Việt Nam. Thủ đô Kiev là một trong những thành phố đẹp của Ukraine và thế giới, thế mà bây giờ tại trung tâm như một bãi chiến trường ngổn ngang, đường phố bị cậy phá hết gạch đá để làm vũ khí, những con đường cổ làm bằng đá xanh có từ hàng trăm năm trước cũng bị những kẻ quá khích phá không thương tiếc. Các cửa hàng, cửa hiệu, các công sở của chính quyền bị đốt cháy đập nát nhìn thật thê thảm, họ chẳng tiếc gì những công sức của tiền nhân. Chúng tôi -những con dân Việt Nam đang sống ở Kiev - Ukraine hy vọng Chính phủ và phe đối lập hãy đặt lợi ích của người dân và vận mệnh dân tộc lên trên để đưa Ukraine thoát ra khỏi bờ vực thẳm chiến tranh tương tàn, đưa Ukraine thoát khỏi khủng hoảng - trở lại cuộc sống thanh bình vốn có như màu xanh bầu trời cùng màu vàng bát ngát của đồng lúa mỳ trên lá cờ Tổ quốc.
Hồ Sĩ Trúc - Từ Ukraine (Hồ Sĩ Trúc - Từ Ukraine)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.