Ông được nói qua đời tại một bệnh viện ở Hong Kong sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Ông tên thật Tra Lương Dung, sinh ngày 6/2/1924, trong một gia đình khoa bảng danh giá ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Sau này, ông nổi tiếng với bút danh Kim Dung, được đánh giá là tiểu thuyết gia thành công và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại võ hiệp kỳ tình.
Nhà văn Kim Dung
Trong 17 năm, từ 1955 đến 1972, ông đã cho ra đời 15 cuốn tiểu thuyết võ hiệp, hầu hết đều trở thành những bộ tiểu thuyết võ hiệp vào hàng kinh điển, được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng trong khu vực châu Á. Tại Việt Nam, độc giả nhớ tới ông qua các bộ tiểu thuyết: Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Lộc đỉnh ký,..
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông là Thư kiếm ân cừu lục, và cuối cùng là Việt nữ kiếm. Tác phẩm của ông được chuyển thể rất nhiều lần thành phim và trò chơi điện tử.
Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông nhận được vô số giải thưởng như Huân chương Tử kinh (2000), Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới (2008),...
Cuộc đời Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng đều không khiến ông hạnh phúc. Kim Dung từng thừa nhận: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.
Người vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân - tiểu thư xuất thân dòng dõi. Bà chính là mối tình đầu, khiến Kim Dung "vừa gặp đã yêu". Năm 1948, hai người tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.
Kết hôn không bao lâu, Kim Dung sang Hong Kong phát triển sự nghiệp, Dã Phân theo chồng. Ở thành phố xa lạ, Dã Phân cảm thấy khó thích nghi. Sau nhiều lần căng thẳng, tới năm 1953, hai người quyết định ly hôn sau gần 5 năm sống chung.
Người vợ thứ hai chính là Chu Mai - người cùng ông đồng cam cộng khổ. Chu Mai sinh năm 1933 tại Hong Kong. Hai người nên duyên vợ chồng năm 1956.
Đây cũng là khoảng thời gian Kim Dung bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp và sáng lập nên tờ Minh Báo, ông là tổng biên tập đầu tiên của tờ này. Cả hai có với nhau 4 người con, 2 trai và 2 gái. Nhưng không ai theo nghiệp văn chương của cha. Năm 1976, mâu thuẫn không thể hàn gắn, hai người quyết định ly hôn.
Những ngày cuối đời, Kim Dung sống cùng người vợ thứ ba là Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. Bà là một nhà văn và rất hâm mộ Kim Dung. Sau nhiều lần chuyện trò, tâm sự, cả hai dần thân thiết rồi trở thành vợ chồng.
Mặc dù thành công và được nhiều người yêu mến nhưng cuộc đời của “ông vua tiểu thuyết“ lại gặp nhiều trắc trở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.