“Trẻ hóa” tội phạm
Số liệu đưa ra tại Hội nghị sơ kết Thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia Phòng chống tội phạm (giai đoạn 1998 - 2010) của Hà Nội cho thấy, đối tượng phạm tội thời gian qua đang trẻ hóa, hầu hết có độ tuổi từ 18 đến 35, trong số đó chưa thành niên chiếm 11,5%, số học sinh, sinh viên chiếm 4,1% tổng số trường hợp bắt giữ.
|
Nhóm tội phạm nhỏ tuổi trong một vụ án xảy ra gần đây tại TP.HCM |
Nhiều vụ án thể hiện tính manh động, rùng rợn và vô cảm của thanh thiếu niên. Như vụ án nữ sát thủ tuổi trăng tròn Phan Gia Hồng Ngọc (18 tuổi) và Phạm Đức Huy (16 tuổi) lên “kịch bản” giết hại người quen để cướp tài sản.
Với vẻ mặt xinh xắn, mái tóc vàng sành điệu, Ngọc rành rọt thuật lại hành vi phạm tội không chút ăn năn. Ngọc đã dụ anh Phạm Đức Thanh, cán bộ kiểm định Công ty Nacico đến khu đất hoang trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tại đây, Huy nằm trên bãi cỏ giả vờ bất tỉnh, đợi Ngọc đưa anh Thanh đến rồi bất ngờ bật dậy dùng dao nhọn đâm anh Thanh.
Đôi “diễn viên” 9x này tiếp tục dùng dây siết cổ nạn nhân cho đến chết. Sau đó, Ngọc và Nam lục soát người anh Thanh lấy giấy tờ, chìa khóa nhà rồi giấu xác chết vào bãi lau sậy gần đó. Trước khi bị phát hiện, Ngọc còn rủ đồng bọn đến phá khóa chiếc xe Attila của anh Thanh rồi cùng nhau về nhà nạn nhân ăn cắp điện thoại, dây nguồn laptop.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các chuyên gia tâm lý, game online và phim hành động là những yếu tố tác động nhiều nhất đến hành vi phạm tội của giới trẻ.
Khảo sát của Bộ GD-ĐT tại năm tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc chỉ ra 77% trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực, 2/3 học sinh tiểu học, 81% học sinh THCS, THPT và 75% sinh viên CĐ-ĐH chơi game online.
Điều đặc biệt là người chơi game online càng trẻ thì hành vi của họ càng chịu tác động mạnh mẽ của thế giới ảo. Nhiều trò chơi trực tuyến thiếu lành mạnh, mang nặng tính chém giết và sex đã trở thành cạm bẫy nguy hiểm cho trẻ.
Việc nhiều học sinh, sinh viên đắm chìm trong thế giới bạo lực của game khiến hành vi mang động cơ giết người ngày một gia tăng. Vụ án Trần Thế Long (22 tuổi, quê Nam Định) giết bạn “chat” là Đỗ Văn Tân (SN 1981) để cướp tài sản là một minh chứng.
Qua quen trên mạng, Long đến phòng trọ của Tân tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chơi và ngủ lại. Tưởng rằng tình bằng hữu của hai “tín đồ” game online này sẽ kéo dài, nhưng chưa được một ngày, rạng sáng hôm sau, khi Tân vừa ngủ dậy đã bị Long dùng dao nhọn đâm vào ngực trái rồi dùng gối bịt vào mặt cho đến chết. Chưa dừng lại ở đó, sau khi giết người, Long còn cướp xe máy, máy tính, hai ĐTDĐ cùng nhiều đồ đạc giá trị của nạn nhân rồi bỏ trốn.
Trước đó, tại Nghệ An cũng xảy ra một vụ án có liên quan đến internet khiến dư luận bàng hoàng. Cậu bé lêu lổng, thường xuyên bỏ học Phan Việt Cường (15 tuổi) vì mẹ không cho tiền để chơi game online đã lên kế hoạch trút giận vào em trai.
Suy nghĩ và hành động như nhiều nhân vật trong thế giới ảo, Cường đã lấy chính em trai ra đánh đập, tra tấn. Trong cơn tức giận, Cường không hề biết rằng những hành động bạo lực đó đã gây nên cái chết đáng thương cho đứa em trai mới chỉ 6 tuổi.
Theo Thạc sĩ tâm lý Đức Trọng, việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu định hướng, bốc đồng cũng là nguyên nhân gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Đặc biệt, xu hướng phòng thân bằng hàng “nóng”, hung khí… đang trở nên phổ biến, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.
Một vụ án bắt nguồn từ suy nghĩ nông nổi, dễ bị lôi kéo của một nhóm học sinh trường THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An) vẫn khiến nhiều người đau xót. Đơn giản chỉ vì “nhìn ngứa mắt và thấy các bạn đánh nên tham gia cho vui” mà cả bốn học sinh là Bùi Xuân Duyên, Nguyễn Ngọc Tráng, Hoàng Quốc Mỹ và Trang Ngọc Tuấn bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tổng mức án 21 năm tù về tội giết người phải tạm dừng vì những tiếng khóc thống thiết từ những người tham dự phiên xét xử.
Án “dựa cột” dành cho Trương Văn Tốt (23 tuổi) vì hành vi ăn cắp, giết cụ già 73 tuổi hay bản án tử hình chờ sẵn bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ án “xác chết không đầu” là hình phạt thích đáng cho những kẻ tước đoạt mạng sống người khác một cách dã man. Tuy nhiên, trước thực tế số vụ án hình sự có xu hướng trẻ hóa thì hình phạt tối đa 18 năm tù đối với người chưa thành niên phải chăng còn thiếu tính răn đe?
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, ngoài những nguyên nhân cơ bản chi phối hành vi phạm tội của trẻ như môi trường giáo dục chưa tốt, tâm lý chưa ổn định… thì phải nhắc đến việc không ít sát thủ tuổi teen ý thức được mình sẽ không phải chịu mức án cao nhất tại tòa. Chính sách khoan hồng của pháp luật áp dụng cho người chưa thành niên vô tình tạo “hy vọng” cho kẻ thủ ác thoát khỏi sự trừng trị nghiêm khắc nhất.
Theo ANTĐ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.