Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:Chú tâm thực hiện các cải cáchKinh tế Việt Nam vẫn đang còn ở trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn đang còn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Nhiều cải cách chưa đạt được trong năm 2013, như tái cấu trúc nền kinh tế chúng ta mới chỉ đặt ra chứ chưa triển khai được. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng "giậm chân tại chỗ", nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn hiện hữu, thu ngân sách không đạt kế hoạch.
Tất cả những khó khăn này sẽ bị đẩy sang năm 2014. Chưa kể, năm 2013, chúng ta vẫn loay hoay với cải cách thể chế, chống tham nhũng chậm, cơ chế chính sách còn gây khó với doanh nghiệp, người dân; y tế, giáo dục còn quá nhiều vấn đề cần phải cải thiện... Với những "gánh nặng" như vậy thì kinh tế năm tới sẽ khó có thể cất cánh mà bay cao được.
Năm 2014, cần có sự đột phá mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở (ảnh chụp đường trên cao tại Hà Nội)
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế năm 2014, tôi cho rằng, chúng ta phải chú tâm vào thực hiện các cải cách đã đề ra. Đó là tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là cải cách ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước; đầu tư nhiều hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chúng ta cần thực hiện một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Muốn vậy, giá các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước còn độc quyền như điện, xăng dầu, nước... cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động.
Năm 2014 cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng doanh nghiệp nhà nước hiện hữu. Nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ của Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của từng đơn vị. Nếu đặt đúng tầm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện thành công việc tái cơ cấu khối doanh nghiệp này.
Chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Du Lịch: Thời cơ cho quyết sách mạnhNhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể. Năm 2013 sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải.
Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 như trên cho thấy, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 (như đã nêu trên) vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014.
Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm. Khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014. Nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013. Khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012 và 2013.
Có thể nói, trong ngắn hạn, lạm phát đã không còn là “con ngựa bất kham”. Do đó, tôi cho rằng, năm 2014 là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình kinh tế, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.
Theo tôi, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Vấn đề đang đặt ra là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, bằng cách thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là, nền kinh tế Việt Nam phải tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để từ giai đoạn 2016-2020 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, như đã từng đạt được trong giai đoạn 1991-1996 và giai đoạn 2001-2007. Nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, tức là khoảng 7- 8% mỗi năm, trong vòng vài thập niên, thì chúng ta không thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và cũng không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A: Không để đầu tư dàn trảiNăm 2014, nền kinh tế sẽ vẫn còn khó khăn, chứ chưa phải đã vượt được đâu, đặc biệt là khu vực kinh tế nhà nước sẽ còn rất khó để tồn tại. Khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có bước sốc lại khốc liệt khiến họ có thể tồn tại và phát triển. Lãi suất đã có thể giúp doanh nghiệp về vốn nên kinh doanh bước đầu đã dễ thở, nhưng cải thiện một cách triệt để thì kể cả sang năm 2014 vẫn còn khó. Vì muốn cải thiện triệt để còn phải phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước, ưu tiên như thế nào để vực dậy được kinh tế, khuyến khích được khối doanh nghiệp...
Tôi cho rằng, năm 2014 trọng tâm sẽ là các chính sách cải cách của Nhà nước bởi năm 2013, nhiều chính sách đã được ban hành chưa tốt, như gói giải cứu bất động sản 30.000 tỷ đồng làm quá nhạt, không được gì, cách làm đã bị hỏng. Trong tình hình nợ công thì dù lạm phát có ổn định chúng ta cũng không thể lao vào kích cầu, đẩy mạnh đầu tư trong năm 2014. Trái lại, đầu tư công phải được cải cách mạnh, chấn chỉnh lại từ ngân sách, không để cho các địa phương đầu tư lung tung.
Cuối cùng là cải cách ngân hàng. Chúng ta phải từ từ cho các ngân hàng thương mại tư nhân yếu kém chết đi vì vốn ngân hàng đã mất thì nên dẹp hẳn, đừng sáp nhập vào ngân hàng khác làm gì, gây tiềm ẩn nguy cơ rủi ro sau này. Nói chung, năm 2014, kinh tế còn quá nhiều việc phải làm mà việc nào cũng khó cả, chúng ta có quyết tâm làm hay không?!
TS Nguyễn Đồng Hải - ở Slovakia:Giải quyết trở ngại hành chính
Năm 2014 cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng doanh nghiệp nhà nước hiện hữu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
|
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua "gói giải pháp hỗ trợ thị trường" nhằm: giải quyết hàng tồn kho; xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tôi cho rằng đó là những giải pháp hết sức đúng đắn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và phục hồi nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định hơn, hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, và có mối quan hệ kinh tế với các nước có nền kinh tế lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…Việt Nam lại đang trong quá trình đàm phán tham gia Hiệp định TTP đây là những điều kiện rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu hàng hóa.
Hơn nữa Việt Nam có một nền chính trị ổn định, đây là điều rất quan trọng để tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư. Vừa qua Việt Nam đã đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng lớn, điều đó đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc chống tham nhũng. Mặt khác, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải cách hành chính - mà đây là một trở ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi cho rằng với quyết tâm ấy sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Việt Nam. Và kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014. Tuy nhiên cần phải kiên nhẫn, bởi để đưa một nền kinh tế thoát ra khủng hoảng không thể một sớm, một chiều mà có thể làm ngay được.
Nhóm phóng viên (thực hiện) (Nhóm phóng viên (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.