Kinh tế nóng nhất: Bộ Công Thương vừa báo cáo gì lên Thủ tướng vụ mỳ Hảo Hảo?
Kinh tế nóng nhất: Bộ Công Thương vừa báo cáo gì lên Thủ tướng vụ mỳ Hảo Hảo?
Nguyễn Linh
Thứ hai, ngày 06/09/2021 20:30 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc mì Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam bị thu hồi vì chứa chất cấm, Bộ Công Thương hôm nay (6/9) cho biết, đã có báo cáo bước đầu gửi Thủ tướng Chính phủ...
Vụ mỳ Hảo Hảo: Bộ Công Thương báo cáo gì lên Thủ tướng?
Bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, ngoài Ireland, Na Uy thu hồi sản phẩm của Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đã công bố thì còn có một số nước châu Âu khác.
Bộ Công Thương đã có báo cáo bước đầu gửi Thủ tướng Chính phủ, đáng nói là chính doanh nghiệp bị "tuýt còi" cũng không biết chất cấm thuộc thành phẩm nào. Thứ trưởng Công Thương cho biết, chưa rõ lô bị thu hồi của Acecook, Thiên Hương chứa ethylene oxide do đâu và sản phẩm trong nước có chất này hay không. Ngoài Acecook Việt Nam và Thiên Hương, theo ông Hải, Bộ Công Thương sẽ mở rộng lấy mẫu của nhiều doanh nghiệp khác để rà soát, kiểm tra xem có dư lượng chất độc hại trong sản phẩm hay không.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp, họ khẳng định sản phẩm xuất khẩu riêng cho các thị trường, không liên quan tới sản phẩm sản xuất, bán tại Việt Nam. Họ cũng khẳng định tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm ở các quốc gia nước xuất khẩu.
Về chất ethylene oxide, hiện các nước cũng chưa thống nhất trong quy định về chất này trong thực phẩm. Có nước, khu vực đưa ra quy định khắt khe, như EU nhưng có nước lại không cấm, như Việt Nam. Nhưng, từ sự việc này, ông Hải cho biết, sẽ đề nghị bổ sung thêm quy định về chất ethylene oxide, cũng như các chất độc hại tới sức khoẻ con người vào các quy định thực phẩm tại Việt Nam.
Trước đó, trung tuần tháng 8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good.
Một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa ethylene oxide. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Ngườitiêu dùngăn phải chất này không có nguy hiểm cấp tính nhưng có thể gặp vấn đề sức khỏe nếu ăn phải ethylene oxide trong một thời gian dài. Cơ quan này cảnh báo cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chất này.
Cách đây ít ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương.
Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này trước ngày 7/9.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vượt 6 tỷ USD
Tám tháng đầu năm, Trung Quốc nhập 6,1 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Trong đó, nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu.
Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Giá trị xuất khẩu của hầu hết mặt hàng tháng 8 đều giảm bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu của những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế… đạt giá trị xuất khẩu tăng.
Cụ thể, cao su tăng 23,3% về khối lượng và tăng 61,4% về giá trị; hạt điều tăng 19,2% về khối lượng và tăng 15,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng tương ứng 13,4% và 28,4%.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng qua là Mỹ, đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc đạt gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD, chiếm 6,8% thị phần. Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,4 tỷ USD, chiếm 4,3% thị phần.
Hàng không vẫn chờ giấy đi đường ở Hà Nội
Ông Đoàn Hữu Gia - Tổng giám đốc Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) - cho biết trong ngày VATM đã gấp rút liên hệ với cơ quan chức năng để xin cấp giấy đi đường có mã nhận diện theo quy định mới của Hà Nội nhưng vẫn chưa xong.
Dù ảnh hưởng dịch nhưng mỗi ngày đơn vị này vẫn phải đảm bảo công tác điều hành bay với 400-500 chuyến/ngày của các hãng quốc tế, trong nước chở hàng hóa, hàng cứu trợ, vận chuyển lực lượng tham gia chống dịch...
Ngoài nhân viên không lưu chia theo ca trực 21 ngày ở tại cơ sở, còn rất nhiều bộ phận khác như kỹ thuật, hành chính. Phần lớn nhân viên sinh sống ở vùng 1 và đến sân bay làm việc nên cần gấp loại giấy tờ này để đi lại đảm bảo công việc.
Do đó, ông Gia đề nghị cần tạo điều kiện cấp giấy để nhân viên hàng không đi lại làm việc, chậm trễ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì an ninh, an toàn và hoạt động của các chuyến bay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.