Kinh tế số mang lại không gian phát triển mới cho TP.HCM
Mang lại không gian phát triển mới cho TP.HCM bằng cách nào?
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 07/09/2023 14:33 PM (GMT+7)
30 năm qua, TP.HCM đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới. Kinh tế số sẽ mang lại không gian đó cho TP.HCM. Định hướng 40% GDP của TP.HCM năm 2030 sẽ đến từ kinh tế số.
Ngày 7/9, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, 30 năm qua, TP.HCM đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới. Kinh tế số sẽ mang lại không gian đó cho TP.HCM. Định hướng 40% GDP của TP.HCM năm 2030 sẽ đến từ kinh tế số.
Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì TP.HCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Theo ông Tuấn, 5 lĩnh vực chính Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần tập trung phát triển để tạo đột phá về kinh tế số là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may, logistics, nông nghiệp và du lịch.
Bộ Thông tin Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ ngành, đơn vị triển khai 10 nhóm giải pháp tiếp cận hệ sinh thái dối với nền tảng số ngành, lĩnh vực, bao gồm các nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, du lịch Việt Nam, sàn giao dịch nông sản, dữ liệu số nông nghiệp, cảng biển số, cửa khẩu số, quản trị và kinh doanh vận tải, giao hàng chặng cuối, bản đồ số, chuyển đổi số xưởng may...
Theo ông Tuấn, cách là đột phá là phải chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online; phổ cập hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển.
Nghị quyết 98 của Quốc hội đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số. Việc cần làm tiếp theo là TP.HCM xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng TP.HCM nếu đứng một mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo. Mô hình lực kéo không gian đô thị của TP.HCM đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan toả rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số của vùng. Cuối cùng là phát triển TP.HCM thành trung tâm bưu chính/logistics của khu vực và cả nước", ông Tuấn đặt vấn đề.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kinh tế số tại TP.HCM dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng cũng đã đạt nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, du lịch trực tuyến…
Về cách tiếp cận xây dựng chính sách về kinh tế số, ông cho rằng có 2 cách: Từ trên xuống (chương trình, chiến lược quốc giai; kinh nghiệm quốc tế xuống chính sách phát triển kinh tế số của TP.HCM) và từ dưới lên (từ nhu cầu của doanh nghiệp).
Dẫn kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra quan điểm ở 3 nhóm: Hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, kinh tế số trong các ngành.
Theo ông Alex Phan, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nền kinh tế số đang rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới nên có tính rủi ro, không bền vững và tính đột phá.
Kinh tế số TP.HCM có 2 điểm nghẽn là nguồn lực con người và tài chính. Do đó, chính sách phát triển kinh tế số phải nhìn nhận trên góc độ thị trường, trên cơ sở kinh tế số là nền kinh tế rất mới, rất nhiều rủi ro để tiếp cận một cách mềm mại hơn.
Để giải quyết những điểm nghẽn này, thành phố cần có chính sách thu hút thêm nhiều nhân tài, nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Cũng như cần có nguồn quỹ để tài trợ cho các startup lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật (thuộc ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận, TP.HCM cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số. Tuy nhiên, vẫn còn một số vương mắc, đó là chính sách nào để thúc đẩy đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số? Làm thế nào để khuyến khích sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động để tăng cường đào tạo nhân lực số, kỹ năng số cho người lao động?
Mặt khác, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp. Do vậy, TP.HCM cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, TP.HCM đang vào cuộc mạnh mẽ để triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố với tâm thế rất cao. Mục tiêu là đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo với tư cách là đơn vị dẫn đầu cả nước, mức tăng trưởng của TP.HCM từ 2 con số trở lên. Khi ấy, vị thế của TP.HCM trên bản đồ thế giới sẽ khác.
TP.HCM đã chủ động thực hiện rất nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số. Năm 2021, lần đầu tiên TP.HCM đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.
Tuy nhiên, thành phố đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh, TP.HCM sẵn sàng thí điểm những chính sách mới của ngành thông tin truyền thông hoặc trên lĩnh vực kinh tế số trên địa bàn. TP.HCM không bó hẹp trong vài doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp chuyên trách để thực hiện kinh tế số mà càng nhiều doanh nghiệp tham gia càng tốt. Từ những ý kiến của hội thảo này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp và báo cáo UBND TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.