Kinh tế song phương Nga-Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới: sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga
Kinh tế song phương Nga -Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới và sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga
Huỳnh Dũng
Thứ năm, ngày 23/06/2022 13:15 PM (GMT+7)
Trung Quốc và Nga đồng ý thúc đẩy quan hệ trong năng lượng và tài chính cũng như thương mại, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow về cuộc chiến ở Ukraine.
Kinh tế song phương Nga-Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới
"Ngày nay, sự hợp tác của chúng tôi giữa Nga và Trung Quốc đang tăng lên", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chia sẻ, theo bản dịch tiếng Anh chính thức do đài truyền hình nhà nước Nga RT thực hiện. Ông Tập Cận Bình nói: "Thương mại trong nửa đầu năm nay đã đạt hàng chục tỷ đô la Mỹ và chúng tôi có thể mong đợi những kỷ lục mới trong những tháng sắp tới, đó là minh chứng cho sự hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta".
Trong bản dịch của đài RT, ông Tập nhấn mạnh tiềm năng kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi như thế nào, và nói về sự phát triển hơn nữa của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Được biết, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt tổng cộng 65,81 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 28,9% so với cùng kỳ của một năm trước đó, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc. Phần lớn sự tăng trưởng đến từ việc nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga.
Sau cuộc gặp cấp cao giữa ông Tập Cận Bình và Putin vào đầu tháng 2, một bản tin cho biết không có "giới hạn" hay "vùng cấm" hợp tác nào giữa hai cường quốc này. Cũng đầu tuần vừa qua ông Tập đã nói trong một cuộc điện đàm với Putin rằng, Kyiv và Moscow "nên thúc đẩy một giải pháp thích hợp" trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, theo một bản tin của Trung Quốc về cuộc gọi này.
"Trung Quốc, họ luôn nghĩ đến lợi ích quốc gia của mình", ông Putin nói sau phát biểu của ông Tập, theo bản dịch tiếng Anh của RT. "Nhưng chúng tôi không mâu thuẫn với nhau". Ông mô tả mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là "thân thiện", nhưng lưu ý rằng "điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ chơi cùng với chúng tôi trong mọi thứ".
Mặt khác, ông Tập đã không nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, từ Đức đến Nhật Bản, nhiều quốc gia đã tham gia với Mỹ trong việc đóng băng tài sản của các nhà tài phiệt Nga, hạn chế quyền tiếp cận của các ngân hàng lớn nhất của Nga với hệ thống tài chính toàn cầu và cắt đứt Nga khỏi các công nghệ quan trọng.
Quan hệ Nga-Trung đang ở mức cao chưa từng có và không ngừng được cải thiện
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự ủng hộ của nước ông đối với Nga về các vấn đề chủ quyền và an ninh trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập nói với người đồng cấp Nga rằng, Trung Quốc "sẵn sàng làm việc với phía Nga để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài của quan hệ hợp tác song phương"; "Trung Quốc sẵn sàng cùng với Nga tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn, chẳng hạn như chủ quyền và an ninh".
Điện Kremlin cho biết, ông Putin đã đồng ý với ông Tập để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và công nghiệp khi Moscow đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây do cuộc chiến sự tại Ukraine.
Điện Kremlin khẳng định: "Đã nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghiệp, vận tải và các lĩnh vực khác, có tính đến tình hình kinh tế toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn do chính sách trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây". Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng quan hệ Nga-Trung đang ở mức cao chưa từng có và không ngừng được cải thiện.
Nhưng sự phục tùng tiềm tàng của Nga đối với Trung Quốc gây ra mối đe dọa
Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc chiến ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại quốc gia này sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiroyuki Akita, bình luận viên của tờ Nikkei Châu Á nhận định, với việc Mỹ và nhiều nước châu Âu dường như đã sẵn sàng nhắm vào mọi khía cạnh của nền kinh tế Nga để gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin, thì trật tự thế giới có thể thay đổi khi Moscow ngày càng suy yếu tiến gần hơn tới Bắc Kinh. Sự sắp xếp lại tiềm năng đó đã và đang gây ra những lo lắng trên toàn thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, châu Âu và châu Á đã tập trung tại New Delhi để thảo luận về các vấn đề địa chính trị cấp bách tại cuộc Đối thoại Raisina. Ursula Gertrud von der Leyen, chủ tịch Hội đồng châu Âu và các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nằm trong số những người kêu gọi gây áp lực mạnh mẽ hơn chống lại Nga, liên tục thúc giục Ấn Độ và các nước khác làm nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, theo những người tham gia, ngày càng có nhiều lo ngại ở phương Tây rằng, những động thái như vậy sẽ khiến Nga trở thành đối tác cấp dưới của Trung Quốc, hoặc một loại nước láng giềng cấp dưới đặc thù.
Sự cân bằng quyền lực giữa cả hai đã không còn bằng nhau. Tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc. Nga gửi khoảng 15% hàng hóa xuất khẩu của mình sang Trung Quốc, trong khi dựa vào nước láng giềng với khoảng 23% hàng hóa nhập khẩu, theo một nhóm nghiên cứu của Mỹ.
Mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa Bắc Kinh và Moscow có thể là mối quan ngại lớn hơn đối với phần còn lại của thế giới, thậm chí có thể gọi là "axis of evil" (trục ma quỷ), một thuật ngữ được sử dụng bởi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush để chỉ Triều Tiên, Iran và nước Iraq dưới thời lãnh đạo của Saddam Hussein. Đó là bởi vì Nga có một số lượng lớn tên lửa hạt nhân và khả năng tấn công mạng khổng lồ.
Nếu Nga trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, niềm tự hào của nước này với tư cách là một cường quốc lớn sẽ bị tổn thương và có thể bắt đầu cảm thấy tự ti
Một quan chức chính phủ châu Âu lâu năm cho biết, nếu Nga trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về cả kinh tế và địa chính trị, niềm tự hào của nước này với tư cách là một cường quốc lớn sẽ bị tổn thương và nước này có thể bắt đầu cảm thấy tự ti. Quan chức này còn khẳng định, điều này có thể khiến Nga cảm thấy hoang tưởng hơn đối với khối phương Tây, khiến quốc gia này trở nên hiếu chiến và khó đoán hơn.
Đồng thời, sự phục tùng của Nga đối với Bắc Kinh cũng sẽ mang lại những thay đổi lớn đối với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Với sự ảnh hưởng của phần phía đông của Âu-Á, Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng phạm vi quan tâm của mình sang Trung Á và Afghanistan. Nhà địa chính trị người Anh Halford Mackinder từng gọi Trung Á và Afghanistan là "Vùng đất trái tim" vào khoảng một thế kỷ trước, và dự báo rằng một quốc gia kiểm soát khu vực này sẽ thống trị toàn bộ Âu-Á và thế giới. Đó có thể là Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.